‘Ngày tận thế Internet’
Thuật ngữ “ngày tận thế Internet” – nỗi lo Internet bị ngắt đột ngột ở phạm vi toàn cầu – được nhắc đến cách đây vài năm nhưng đang xuất hiện trở lại ngày một nhiều trên mạng xã hội Reddit, Twitter. Theo Washington Post, đến nay, mọi câu chuyện liên quan đều được đánh giá là hư cấu, được tạo ra với mục đích gây hoang mang và gây sự chú ý. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng việc này vẫn có thể thành hiện thực, liên quan đến hiện tượng bão Mặt Trời.
Bão Mặt Trời xảy ra khi Mặt Trời phát ra một vụ bùng nổ bức xạ điện từ mạnh. Các sóng điện từ tương tác với từ trường Trái Đất và có thể làm gián đoạn tín hiệu vô tuyến và GPS.
Khi những dòng điện mạnh chạy qua tầng thượng quyển, bão Mặt Trời cũng tạo ra các dòng điện mạnh gây trở ngại cho vật dẫn điện bên trên lớp vỏ, như mạng lưới đường dây truyền tải điện từ trạm phát đến các công trình khác. Kết quả là hiện tượng mất điện cục bộ xảy ra và có thể rất khó khắc phục. Quebec từng gặp hiện tượng này vào ngày 13/3/1989 và mất điện 12 tiếng, theo NASA. Sự kiện Carrington năm 1859 cũng khiến đường dây điện báo phát tia lửa. Đầu năm 2022, bão Mặt Trời cũng phá hỏng 40 vệ tinh Starlink của SpaceX.
Mặt Trời có chu kỳ hoạt động mạnh nhất khoảng 11 năm một lần. Theo tính toán, thời gian tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2025. Một số người dự đoán nó sẽ tác động đến hệ thống kết nối trên Trái Đất, gồm Internet.
“Chúng ta chưa bao giờ trải qua sự tác động của bão Mặt Trời theo cách nghiêm trọng nhất, nên không biết hạ tầng trên Trái Đất sẽ phản ứng thế nào. Tuy nhiên, nếu đủ mạnh, nó có khả năng ảnh hưởng đến hạ tầng viễn thông như cáp quang và các hệ thống thông tin liên lạc dưới biển, gây gián đoạn kết nối đường dài”, Sangeetha Abdu Jyothi, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học California, nhận xét.
Bà Jyothi là tác giả báo cáo khoa học Siêu bão Mặt Trời: Lập kế hoạch cho Ngày tận thế Internet, cũng là người phổ biến thuật ngữ “ngày tận thế Internet”. “Chúng ta hoàn toàn không tính đến tác động của bão Mặt Trời trong quá trình triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông”, bà nói.
Theo công ty theo dõi hoạt động Internet NetBlocks, nếu bị bão Mặt Trời tàn phá, việc mất kết nối Internet có thể kéo dài hàng tháng. Chỉ riêng tại Mỹ, đơn vị này ước tính thiệt hại sẽ hơn 11 tỷ USD mỗi ngày nếu “ngày tận thế” xảy ra.
Stuart D. Bale, giáo sư vật lý tại Đại học California, nói việc mất kết nối Internet rất nghiêm trọng, nhưng không quá lo lắng vì bề mặt Mặt Trời thay đổi rất chậm, từ đó khó hình thành một cơn bão đủ để xóa sổ Internet, ít nhất là trong tương lai gần.
Theo tính toán của các chuyên gia, để đánh sập hoàn toàn Internet, bão Mặt Trời phải phá hủy những dây cáp quang cực dài chạy dưới đại dương và liên kết các lục địa. Cứ khoảng 50-145 km, những dây cáp này lại được trang bị bộ lặp giúp tăng cường tín hiệu khi truyền đi. Bản thân dây cáp không dễ bị bão địa từ tác động, nhưng bộ lặp thì có. Một bộ lặp trục trặc có thể làm hỏng toàn bộ dây cáp và nếu nhiều dây cáp cùng hỏng, từ đó “ngày tận thế Internet” có thể xảy ra.
Nếu mất Internet trên toàn cầu, nó sẽ gây ra hậu quả thảm khốc. Sự kiện này sẽ làm gián đoạn mọi thứ, từ chuỗi cung ứng, hệ thống y tế đến thị trường chứng khoán, khả năng làm việc và giao tiếp của từng người.
Giới chuyên gia cho rằng để bảo vệ Internet trước bão Mặt Trời, cần củng cố lưới điện, vệ tinh và cáp quang biển để tránh bị dòng điện chạy qua làm quá tải, bao gồm cả những biện pháp dự phòng để tắt lưới điện khi diễn ra bão. Cách thứ hai là tìm ra phương pháp dự đoán bão Mặt Trời tốt hơn trong dài hạn.
Bảo Lâm (theo Washington Post)
- Mỹ chi hơn 42 tỷ USD phổ cập Internet
- Cột điện – rào cản Internet tốc độ cao ở nông thôn Mỹ
- Nokia sắp đưa 4G lên mặt trăng
- Việt Nam sắp có mạng Internet 10 Gbps
- Xây dựng ‘Internet dưới nước’ nhờ AI