Ngành Huấn luyện thể thao là gì? Điểm chuẩn và các trường đào tạo
Huấn luyện thể thao là ngành học lý tưởng phù hợp với những bạn sinh viên có lợi thế về thể lực, sức bền. Mặc dù đây không phải là ngành học có tuổi đời non trẻ nhưng việc tìm hiểu các thông tin cơ bản về ngành như: Muốn học tốt cần chuẩn bị những gì? Sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm ra sao? Ngành có ưu thế vượt trội gì?… luôn là những câu hỏi khiến quý vị phụ huynh và các em học sinh đau đầu. Bài viết sau đây sẽ cung cấp đến mọi người những thông tin khái quát nhất cần biết khi dự định theo đuổi ngành Huấn luyện thể thao!
Ngành Huấn luyện thể thao là gì?
Huấn luyện thể thao (Sport Coaching) là quá trình đào tạo, tổ chức một cách khoa học các hoạt động thể dục, thể thao với mục đích rèn luyện sức khỏe hoặc cải thiện khả năng tâm sinh lý của người học. Xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người cũng theo đó đi lên. Gián tiếp tạo ra môi trường việc làm rộng mở cho các bạn cử nhân ngành Huấn luyện thể thao. Khi theo học ngành này, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để trở thành một huấn luyện viên, giảng viên có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần quyết tâm để tham gia giảng dạy, đào tạo cho cá nhân, tổ chức hoặc các đội tuyển thể thao chuyên nghiệp.
Chương trình đào tạo của ngành gồm các học phần bắt buộc: lý luận chính trị (có bổ sung “Đường lối TDTT của Đảng Cộng Sản Việt Nam”), ngoại ngữ (tiếng Anh/tiếng Trung), tin học đại cương, giáo dục quốc phòng – an ninh, pháp luật đại cương, giáo dục học đại cương… Ngoài ra, sinh viên sẽ có 8 học phần phương pháp giảng dạy và thực hành các môn thể thao như: điền kinh, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, thể dục, bóng bàn, bóng rổ và cầu lông. Sau khi hoàn thành các học phần nói trên, sẽ tiếp tục có thêm 7 học phần thể thao chuyên ngành để trau dồi thêm kỹ thuật và kinh nghiệm.
Các khối thi ngành Huấn luyện thể thao là gì?
Số lượng khối thi đầu vào của ngành không được đa dạng như những chuyên ngành khác vì có yêu cầu đặc thù về sức khỏe.
- Khối T00: Toán, Sinh học, Năng khiếu TDTT
- Khối T02: Ngữ văn, Sinh, Năng khiếu TDTT
- Khối T04: Toán, Vật lí, Năng khiếu TDTT
- Khối T03: Ngữ văn, Địa lí, Năng khiếu TDTT
Điểm chuẩn trúng tuyển ngành Huấn luyện thể thao là bao nhiêu?
Tùy vào số lượng thí sinh và quy mô lớn nhỏ của cơ sở đào tạo thì mức điểm trúng tuyển sẽ có sự dao động khác nhau theo từng năm. Nhưng nhìn chung điểm chuẩn của ngành thường dao động từ ngưỡng 15 điểm trở lên. Mức điểm này đã bao gồm điểm của bài thi năng khiếu và điểm các môn còn lại xét theo kết quả thi THPTQG hoặc học bạ lớp 12 tùy theo phương thức xét tuyển mà thí sinh lựa chọn.
Ngoài ra, một số cơ sở đào tạo có thể đưa ra thêm các tiêu chí phụ như:
- Điểm thi môn năng khiếu >=5.0
- Tổng điểm trung bình 2 môn Toán và Sinh >=10.5 (thi THPTQG)
- Tổng điểm trung bình 2 môn Toán và Sinh >=10 (xét học bạ lớp 12)
Trường nào đào tạo ngành Huấn luyện thể thao?
Khu vực miền Bắc
- Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh
Khu vực miền Trung
- Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng
Khu vực miền Nam
- Đại học Thể dục thể thao TP.HCM
- Đại Học Sư phạm thể dục thể thao TPHCM
Liệu bạn có phù hợp với ngành Huấn luyện thể thao?
Những người lựa chọn ngành Huấn luyện thể thao để theo học cần đáp ứng được các yêu cầu sau đây:
- Có sức khỏe tốt, ngoại hình khỏe khoắn.
Đây là yêu cầu cơ bản nhất đối với các bạn học sinh có hứng thú theo đuổi ngành này. Bởi khi nộp hồ sơ xét tuyển vào các cơ sở đào tạo, bạn sẽ bắt buộc phải vượt qua vòng sơ loại với nhiều yêu cầu về sức bền, thể lực để có thể đến gần hơn với ước mơ của mình.
- Có năng khiếu thể thao.
Nếu có thể chơi tốt ít nhất một môn thể thao thì đó là điểm mạnh của bạn. Bạn nhất định sẽ ghi được “điểm cộng” vào hồ sơ của mình đấy!
- Có lòng nhiệt huyết, sự đam mê.
Đây gần như là yêu cầu bắt buộc để bạn có thể đi xa hơn với nghề. Nếu không có đủ tình yêu và nhiệt huyết, bạn sẽ dễ chán nản bỏ cuộc. Mà một người giáo viên như vậy thì làm sao có thể truyền lửa cho học sinh của mình được đúng không?
Học Huấn luyện thể thao cần giỏi những môn nào?
Vì bản chất của Huấn luyện thể thao là thực hành các hoạt động thể dục thể chất nên bạn không cần phải đạt thành tích quá xuất sắc trong học tập, chỉ cần có sức khỏe tốt, cơ thể dẻo dai và quyết tâm cao độ là đủ.
Cơ hội việc làm dành cho sinh viên ngành Huấn luyện thể thao như thế nào?
Sau khi tốt nghiệp bài bản ngành Huấn luyện thể thao, bạn sẽ có cho mình nhiều cơ hội việc làm với các vị trí đa dạng như sau:
- Huấn luyện viên chuyên nghiệp ở các đội tuyển
- Giáo viên thể dục ở các trường, cơ sở đào tạo
- Cán bộ thể dục thể thao các cấp
- Huấn luyện viên thể hình ở các phòng tập
- Huấn luyện viên cá nhân
- Vận động viên
Mức lương của các khối ngành Huấn luyện thể thao là bao nhiêu?
Mức lương của từng vị trí kể trên sẽ phụ thuộc vào quy mô tổ chức của nơi bạn làm việc, kinh nghiệm trong nghề và các thành tích cá nhân bạn đã đạt được trước đó. Nhưng nhìn chung thì mức lương khởi điểm của mỗi vị trí sẽ dao động như sau:
- Huấn luyện viên chuyên nghiệp – 15 triệu VNĐ/tháng
- Giáo viên thể dục ở các trường, cơ sở đào tạo – 4 triệu VNĐ/tháng
- Cán bộ thể dục thể thao các cấp – 5 triệu VNĐ/tháng
- Huấn luyện viên thể hình ở các phòng tập – 7 triệu VNĐ/tháng
- Huấn luyện viên cá nhân – 7 triệu VNĐ/tháng
- Vận động viên – 6 triệu VNĐ/tháng
Kết luận
Với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của xã hội, Huấn luyện thể thao được dự đoán sẽ sớm trở thành một trong những ngành ‘hot’ trong tương lai gần. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, cơ hội việc làm và khả năng thăng tiến của ngành đang rất rộng mở, có đủ tiềm năng cho tất cả các bạn sinh viên khai thác.