Cho con đi ngắm trăng, sao từ bé
8 năm qua, nam sinh ở TP HCM được học kiến thức cơ bản về vũ trụ, thiên văn và cùng bố mẹ quan sát một số hiện tượng thiên nhiên. Chị Hồng Anh cho biết dù không hiểu hết nguyên lý, bé rất hào hứng. “Kiến thức và các hoạt động thiên văn có sức hút với cả người lớn và trẻ nhỏ. Con trai tôi rất thích”, chị nói.
Không kỳ vọng con giỏi Vật lý, thiên văn hay định hướng nghề nghiệp “vì còn nhỏ”, nhưng chị Hồng Anh thấy con học tốt hơn các môn khoa học tự nhiên sau những trải nghiệm này.
Anh Nguyễn Trọng Luân, 34 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cũng thường đưa con trai 5 tuổi đi trải nghiệm về hàng không, vũ trụ, thiên văn. Hồi đầu tháng, anh đã cùng bé góp mặt trong một hoạt động sử dụng kính thực tế ảo để quan sát không gian từ Trạm vũ trụ quốc tế ISS. “Không nhất thiết sau này con phải làm công việc liên quan, nhưng đây là cơ hội cho con tiếp cận kiến thức mới”, anh nói.
Còn Lê Thị Vân Quỳnh, 12 tuổi, học sinh một trường THCS ở Hà Nội, biết đến lĩnh vực này khi học các môn khoa học, tiếng Anh. Do chương trình ở lớp không có phần riêng về khoa học vũ trụ, Vân Quỳnh chủ động tìm hiểu trên mạng, đọc sách và tham gia các hoạt động trải nghiệm. Bố của Vân Quỳnh – anh Lê Quang Huy, cho rằng điều này giúp con gái có góc nhìn khác biệt về khoa học và những điều xung quanh mình, vĩ mô, bao quát hơn.
Anh Đặng Tuấn Duy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM, nhận thấy ngày càng nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm tới lĩnh vực khoa học thiên văn.
Tính riêng tại dự án “Mang thiên văn đến cho các bé” của câu lạc bộ này, sau năm năm hoạt động, số thành viên 6-13 tuổi hiện khoảng 400, năm 2022 tăng 20-30% so với năm trước. Học sinh được tiếp cận giáo trình Vật lý, thiên văn cơ bản và thực hành quan sát hiện tượng. Anh Duy cho biết nhu cầu của học sinh vẫn nhiều nhưng câu lạc bộ không thể mở ồ ạt, bởi số người đứng lớp, máy móc hạn chế.
Năm 2022, Trung tâm Khám phá vũ trụ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đón 51 đoàn với hơn 5.420 lượt khách tham quan. Phó Giám đốc Trần Thị Thùy Linh cho biết hầu hết khách tới trung tâm là học sinh, trong đó lớp 4-5, lớp 9-10 khá đông do chương trình học của các em có đề cập tới lĩnh vực này.
Theo Trần Hoàng Châu Anh, thành viên Câu lạc bộ Thiên văn, trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, em và các bạn được nhiều phụ huynh liên lạc, muốn cho con đang học cấp 1, 2 tham gia. Câu lạc bộ chỉ tuyển thành viên là học sinh THPT, nhưng đã có các hoạt động hướng tới trẻ em 8-13 tuổi, nhằm đưa thiên văn học tới nhiều học sinh nhất có thể. Trong hai lần gần nhất tổ chức giới thiệu về khoa học thiên văn hồi tháng 3 và 6/2022, khoảng 100 học sinh ở độ tuổi này tham dự.
Trần Đình Dũng, cựu học sinh chuyên Hà Nội – Amsterdam, người vừa giành học bổng 6,1 tỷ đồng để theo đuổi ngành Vật lý, Đại học Darmouth, Mỹ, nhận định việc tham gia câu lạc bộ giúp em có thêm nhiều hiểu biết về các môn khoa học như Toán, Lý, Hoá. “Thiên văn có thể coi như một bộ môn phụ hoạ cùng Vật lý rất tốt, đặc biệt về mặt hiện tượng bởi lẽ chúng ta không thể biết những gì đang xảy ra trên những ngôi sao, hành tinh, hay các thiên thể như hố đen hay sao Neutron”, Dũng nói. Ngoài ra, theo nam sinh, các hoạt động như ngắm sao cũng là một cách để thư giãn, giúp tâm trí “bay xa”.
Ông Craig Gingerich, Giám đốc STEAM trường True North (Hà Nội), cho rằng một số người có quan điểm khoa học vũ trụ quá khó với trẻ em là sai lầm. Thực tế, lĩnh vực này phù hợp với mọi lứa tuổi, các hoạt động tìm hiểu không gian, vũ trụ thúc đẩy tư duy đột phá, kỹ thuật và kỹ năng thực hành – những phẩm chất cần thiết trong nhiều lĩnh vực khác như Toán học, nghệ thuật và ngôn ngữ.
“Khoa học vũ trụ khuyến khích học sinh nghĩ lớn, sáng tạo và tạo môi trường đề phát triển nhiều kỹ năng học tập cần thiết của thế kỷ 21”, ông Craig nói.
Tại nhiều quốc gia, khoa học vũ trụ là một phần của chương trình học, bắt đầu từ bậc mẫu giáo. Ông Craig lấy ví dụ ở Mỹ, “Vị trí của Trái Đất trong vũ trụ” là tên một môn học của trẻ mẫu giáo theo chương trình tiểu chuẩn NGSS (Next Generation Science Standards). Sau đó, khoa học vũ trụ tiếp tục xuất hiện trong chương trình bậc tiểu học và trung học dành cho những học sinh lựa chọn.
Trong khi đó, tại Việt Nam, khoa học vũ trụ vẫn là lĩnh vực non trẻ. Vì thế, theo TS Đặng Hoài Trung, Trưởng bộ môn Vật lý Địa cầu, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), các hoạt động về thiên văn học cho học sinh không phổ biến ở Việt Nam, số câu lạc bộ thiên văn trong trường học rất hiếm hoi.
Là cố vấn của Câu lạc bộ Thiên văn, thuộc khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ông Trung cho biết kinh phí hoạt động, mua sắm thiết bị là một trong những nguyên nhân khiến các câu lạc bộ, hoạt động liên quan khoa học vũ trụ, thiên văn gặp hạn chế, khó xin tài trợ.
Với khoảng 60 thành viên chính thức, kinh phí các hoạt động của Câu lạc bộ Thiên văn dao động 12-14 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, chi phí mua kính quan sát thiên văn chuyên nghiệp thường khá đắt, do đó các thành viên và thầy cô thường tự chế, giá khoảng 5-10 triệu đồng. Tất cả do các thành viên cùng đóng góp hoặc từ thu phí hoạt động dạy thiên văn học cho học sinh trường quốc tế.
Ông Trung nhìn nhận thiên văn và vũ trụ thuộc khoa học Trái Đất, là lĩnh vực quan trọng trong tương lai, bởi liên quan đến biến đổi khí hậu, năng lượng, truyền tải thông tin.
Để học sinh có kiến thức về lĩnh vực này, ông Craig Gingerich gợi ý nhà trường, phụ huynh, học sinh có thể tận dụng các video trên Youtube, đọc tin tức, tham gia các hoạt động trải nghiệm. “Ngay khi trẻ hỏi về các ngôi sao, mặt trăng và mặt trời, đó là lúc để các em khám phá về thiên văn học”, ông Craig nói.
Thanh Hằng – Nhật Lệ
Cảm ơn các bạn đã đồng hành và theo dõi https://th-thule-badinh-hanoi.edu.vn/ !!!!. Hãy cho chúng tớ 1 like để tiếp tục phát triển nhều kiến thức mới nhất cho bạn đọc nhé !!!