Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận về nhân vật Tiểu Thanh trong Độc Tiểu Thanh kí Dàn ý & 4 bài văn mẫu lớp 10

Cảm nhận về nhân vật Tiểu Thanh trong Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du gồm dàn ý chi tiết kèm theo 4 bài văn mẫu hay, giúp các bạn có thêm nhiều ý tưởng mới khi viết văn.

Cảm nhận về nhân vật Tiểu Thanh giúp chúng ta thấy được đây là một người con gái tài sắc, nhưng phải làm lẽ mọn, bị hành hạ vì ghen tuông và đã chết khi còn trẻ. Tập thơ của Tiểu Thanh bị vợ cả đốt hết, chỉ còn lại một số bài gọi là “Phần dư”. Nguyễn Du đã đọc những bài thơ này, viếng nàng và khóc thương cho số phận của nàng. Vậy sau đây là 4 bài văn cảm nhận về Tiểu Thanh hay nhất, mời các bạn lớp 10 cùng theo dõi tại đây.

Dàn ý cảm nhận về Tiểu Thanh

I. Mở bài:

Tiểu Thanh là tên hiệu của cô gái họ Phùng sống vào đời Minh, Trung Quốc. Nàng làm lẽ, bị vợ cả ghen, bắt ra ở Cô Sơn cạnh Tây Hồ. Vì cô đơn sầu muộn, nàng chết lúc tuổi vừa tròn mười tám, chỉ để lại một tập thơ “Tiểu Thanh kí”. Đọc phần dư cảo của nàng, Nguyễn Du xúc động làm bài thơ: Độc tập Tiểu Thanh kí.

– Ghi bài thơ và chuyển mạch.

II. Thân bài:

1. Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang

Nguyễn Du hình dung cảnh Tây Hồ, nơi Tiểu Thanh bị vợ cả bắt ra ở đấy, nay đã thành gò hoang, cũng như Nguyễn Du đến với Tiểu Thanh qua mảnh giấy tàn tức là phần dư cảo của nàng. Gò hoang lạnh chôn cất người tài sắc mà bạc mệnh, thật là đáng thương cảm. Thương cảm nên tưởng niệm, và chỉ biết tưởng niệm người xưa bằng cách đọc những bài thơ cũ còn sót lại của nàng bên song cửa sổ, nên thổn thức ngậm ngùi:

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.

2. Tiểu Thanh là kẻ cô đơn, người viết cũng là kẻ cô đơn. Hai tâm hồn cô đơn dường như giúp nhau, và người hôm nay cảm thông trọn vẹn nỗi đau đớn của người xưa.

Son phấn có thần, chôn vẫn hận.Văn chương không mệnh, đốt còn vương.

– Son phấn như có tinh anh, nên người chết rồi mà vẫn xót hận. Văn chương không có số mệnh, sao lại văn vương lụy phiền.

– Sắc đẹp và văn chương là hai thứ gắn bó với Tiểu Thanh lúc sinh thời của nàng. Son phấn làm gì có thần, nhưng Nguyễn Du đã tạo thần cho để rồi tự hận, để thương hận cho Tiểu Thanh. Văn chương cũng vậy, làm gì có mệnh, nhưng Nguyễn Du cũng gắn mệnh cho để rồi vương vấn xót thương cho Tiểu Thanh.

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,Cái án phong lưu khách tự mang.

– Từ câu thực, Nguyễn Du đi đến câu luận có tính cách triết lí. Nỗi hờn kim cổ là nỗi hờn muôn đời. Nhà thơ như dồn cái hận muôn đời vào niềm thương hận cho số kiếp của Tiểu Thanh. Muốn hỏi trời vì sao có nỗi hận này, không hỏi được lại càng thêm hận.

– Còn khách phong lưu lẽ ra đáng được hưởng những thú phong lưu, sao lại phải mang cái án lạ lùng?

Không trả lời được, nhà thơ đành thở than: Ta tự thấy mình là người cùng hội cùng thuyền với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhà.

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữaNgười đời ai khóc Tố Như chăng?

– Tiếu Thanh mất vào thế kỉ XVI thì ba trăm năm sau, vào thế kỉ XIX có một người là Tố Như (tức Nguyễn Du) làm thơ khóc nàng. Nhưng chẳng biết ba trăm năm sau khi Tố Như mất đi trong thiên hạ ai là người khóc cho?.

– Một câu hỏi làm nao lòng người, thể hiện nỗi bi thương tột độ. Cuộc đời vẫn hiếm hoi mừng tri âm, tri kỉ. Nguyễn Du đang xót thương cho Tiểu Thanh, bỗng quay ra tự xót thương mình. Bởi lẽ Nguyễn Du và Tiểu Thanh cùng chung một số kiếp tài tử giai nhân đầy lận đận.

III. Kết bài

Tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du thể hiện sâu sắc trong các tác phẩm của ông, đặc biệt là bài thơ này. Thương người đang sống (Sở kiến hành), thương người chịu kiếp đọa đày (Truyện Kiều), thương người bất hạnh (Văn chiêu hồn), còn thương cả người đã khuất (Đọc Tiểu Thanh kí). Thật như lời thơ Tố Hữu:

Tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha.

Phân tích nhân vật Tiểu Thanh – Mẫu 1

Nguyễn Du đến với Tiểu Thanh cũng “định mệnh” như Thuý Kiều đến với Đạm Tiên vậy. Ngày tết Thanh minh mà sao sắc xuân không đến với Đạm Tiên trên nấm cỏ:

Sè sè nấm đất bên đường,Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

Sắc cỏ vàng úa giữa mùa xuân thật hợp cho cuộc gặp gỡ giữa hai con người có tên trong sổ đoạn trường. Nguyễn Du với Tiểu Thanh không chỉ là sự cách biệt âm dương. Đó còn là sự cách biệt của khoảng cách thời gian vời vợi: ba trăm năm lẻ. Nhưng không phải vì có nhiều khoảng cách mà thiếu đi sự cảm thông. Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du chính là tiếng lòng vượt lên bao khoảng cách để mà cảm thông và thương xót cho một kiếp người.

Đọc thêm:  Hướng dẫn hít thở đúng cách để tốt cho sức khoẻ

Nguyễn Du gặp gỡ Tiểu Thanh mà sao giống như cuộc gặp trong định mệnh. Đó là cuộc gặp gỡ giữa hai người tài hoa và đầy duyên nợ với văn chương:

Tây Hồ cảnh đẹp hoá gò hoangThổn thức bên song mảnh giấy tàn

Cảnh được tả thật hoang tàn. Nguyễn Du nhắc đến một địa danh trong câu thơ thứ nhất: Tây Hồ (thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), nơi có núi Cô Sơn, chỗ Tiểu Thanh, một cô gái sắc tài nhưng bất hạnh từng sống. Một sự đổi thay được cảm nhận như là bước đi của lẽ đời dâu bể. Đó là sự đổi thay tuyệt đối từ quá khứ sang hiện tại, từ vườn hoa thành gò hoang và từ có đến không. Từ tẫn trong nguyên bản “hoa uyển tẫn thành khư” gợi sự thay đổi dữ dội, khốc liệt: thay đổi hết, không còn chút dấu vết gì. Hoá ra câu thơ không phải nói lẽ đời dâu bể. Nguyễn Du đang thương cho cái đẹp bị dập vùi. Câu thơ mới chỉ tả cảnh mà đã gợi đến bao nỗi xót xa. Toàn bộ câu chuyện đau thương năm xưa về nàng Tiểu Thanh hiện về. Câu thơ nói chuyện riêng tư nhưng cũng là nỗi lòng nhân thế.

Câu thơ thừa đề mới thực là cuộc gặp gỡ của Nguyễn Du:

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

(Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ)

Khi còn sống, Tiểu Thanh có làm một tập thơ (Tiểu Thanh kí) để ghi lại nỗi xót xa, lẻ bóng của mình. Khi nàng tự vẫn, vợ cả đem ra đốt, may còn lại vài bài. Vậy ra cuộc viếng thương Tiểu Thanh không phải diễn ra tại Côn Sơn. Sự tiếc thương của Nguyễn Du đã vượt qua khoảng cách thời gian, không gian (chỉ viếng nàng qua tập sách đốt còn dang dở). Câu thơ tiếp tục khơi vào số phận bất hạnh của Tiểu Thanh. Phần dư cảo của Tiểu Thanh kí phải chăng cũng chính là cuộc đời tan vỡ của nàng? Tan vụn nhưng chưa vĩnh viễn mất đi, tan vụn nhưng vẫn còn vương lại để mà tiếp tục giận hờn oán trách.

Tiểu Thanh đẹp mà bất hạnh, tài năng mà yểu mệnh. Đó có phải là số mệnh của những kẻ nhan sắc lại tài hoa? Day dứt ấy ám ảnh Nguyễn Du cả một đời:

Son phấn có thần chôn vẫn hận,Văn chương không mệnh đốt còn vương.

Hai câu thơ khái quát lại nỗi oan trái của Tiểu Thanh. Son phấn là nỗi oan của sắc. Văn chương là nỗi oan của tài. Hai vật vô tri được nhân cách hoá để có thần, có mệnh, làm nên cái thần, cái mệnh của Tiểu Thanh. Tập sách kia dẫu có bị đốt đi nhưng cuộc đời Tiểu Thanh vẫn luôn hiển hiện để mà tiếp tục kêu than, đau đớn thay cho những kiếp như mình. Hai câu thơ viết bằng cảm hứng xót xa và ngợi ca cái đẹp, cái tài.

Bốn câu thơ sau là hai sự đổi thay về ý. Từ thương một người con gái tài hoa, Nguyễn Du thương cho muôn kiếp tài hoa; từ thương người, Nguyễn Du ngậm ngùi trong nỗi thương mình.

Nỗi oan, nỗi hận của Tiểu Thanh được Nguyễn Du khái quát thành nỗi hờn, nỗi oan của bao kẻ cùng hội cùng thuyền:

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,Cái án phong lưu khách tự mang.

Câu thơ chất chứa bao nỗi hờn kim cổ thành một câu hỏi lớn treo lơ lửng giữa không trung không lời đáp. Tại sao khách má hồng lại gặp nỗi truân chuyên? Tại sao những kẻ tài hoa lại hay yểu mệnh? Câu thơ là nỗi lòng nhân thế, là những nghịch cảnh thường gặp trong cuộc đời: khách phong lưu lại phải oan, phải khổ. Câu hỏi như hướng vào vô vọng, không lời đáp. Nỗi hận, nỗi oan cũng vì thế mà càng nhức nhối.

Độc Tiểu Thanh kí còn là sự day dứt cả đời của Nguyễn Du. Đó là niềm day dứt của thi nhân về nỗi bấp bênh của thế thái nhân tình. Niềm day dứt ấy phải vì thế mà ôm trọn sự bế tắc của “thời đại Nguyễn Du”.

Cảm nhận nhân vật Tiểu Thanh – Mẫu 2

Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận về nhân vật Tiểu Thanh trong Độc Tiểu Thanh kí Dàn ý & 4 bài văn mẫu lớp 10

Phùng Sinh người Hàng Châu tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc, sống vào cuối đời Minh, giàu có, ăn chơi, một lần tới Dương Châu (Giang Tô) mua được Tiểu Thanh, tên chữ là Nguyên Nguyên, cùng họ Phùng về làm thiếp. Nàng xinh đẹp, thông minh từ nhỏ, lại thông thạo thơ ca, từ khúc, giỏi đàn hát, múa ca. Khi được bán cho Phùng Sinh, mới mười sáu tuổi. Nhìn tướng mạo họ Phùng, Tiểu Thanh đã thảng thốt cảm nhận được cuộc sống bất hạnh của mình sau này. Than:

Đời ta thế là hết rồi!

Vợ cả Phùng Sinh vốn ngỗ ngược, nổi tiếng ghen tuông, đối xử với Tiểu Thanh không ra gì. Cuối cùng bắt nàng ra ở riêng dưới chân núi Cô Sơn ven Tây Hồ, nằm bên Tô đê, con đê do Tô Đông Pha, một nhà thơ nổi tiếng đời Tống, khi làm quan ở đây cho đắp. Lại không cho Phùng Sinh đến thăm. Cảnh u buồn, lòng người còn u buồn hơn. Chăn đơn gối chiếc, bốn bề tịch liêu. Chỉ có rừng mai núi trúc xào xạc, tiếng chuông chùa vàng vẳng, sương khói giăng mờ. Tiểu Thanh suốt ngày đêm một mình một bóng với mấy đứa cháu nhỏ, một bà ở già. Nỗi hờn oán, buồn bã chỉ biết gửi vào nước mắt và thơ phú. Lâu dần thành bệnh.

Một lần, trong cơn bệnh nặng, nàng cho tìm thợ truyền thần đến vẽ chân dung bức thứ nhất, bảo:

Đọc thêm:  Đề cương ôn thi học kì 1 môn Tin học lớp 4 năm 2022 – 2023 Ôn tập học kì 1 lớp 4 môn Tin học

– Mới được cái hình, chưa được cái thần.

Bức thứ hai, bảo: “Có thần rồi đấy, nhưng phong thái chưa sinh động…”. Đến bức thứ ba mới ưng ý.

Tiểu Thanh đem bức vẽ đặt lên bàn, bày hoa quả thắp hương tự cúng mình. Sai hầu gái lấy giấy bút viết thư tuyệt mệnh. Cuối thư là bốn câu thơ:

Ruột tằm dứt,lệ ròng ròngLầu son gác tía những mong có ngàyChiều tà ửng mặt đào sayẤy hồn thiếu nữ ngất ngây yêu kiều

Rồi vứt bút, dựa án thư, nước mắt tuôn trào, nấc một tiếng lớn, mà chết.

Sau khi Tiểu Thanh qua đời, vợ cả Phùng Sinh vẫn không thôi ghen tức. Tập thơ cùng ảnh của nàng đều bị đốt hết. May còn một chân dung, là bức họa thứ hai và mấy bài thơ làm nháp dùng gói đồ tặng cô con gái người ở già không bị thiêu hủy.

Xin giới thiệu một hai bài:Xuân về máu lệ nhòaGiải áo bay vờn cổBa trăm gốc mai giàNên hóa đỗ quyên hoa

Bài thơ ý tứ rằng, màu vàng buồn của hoa mai đã hóa thành màu đỏ máu thảm thương của hoa đỗ quyên.

Bâng khuâng đứng trước Phật đàiXin đừng làm một kiếp người nổi trôiChỉ làm giọt nước dương thôiTưới sen tịnh để đời đời sắc xanh

Bài thơ làm khi vào dâng hương chùa Thiên Trúc ở Tây Hồ, không được ngang tàng, phóng khoáng như Nguyễn Công Trứ “Kiếp sau xin chớ làm người! Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Nỗi buồn đau đã hóa thành ước vọng từ bi, hiến dâng tốt đẹp.

Mưa lạnh, lòng buồn không nghe mưaKhêu đèn ngồi đọc tích người xưaĐời còn lắm kẻ ngây cùng dạiĐâu phải mình ta bạc mệnh thừa

Bài thơ làm nhân đêm gió mưa hiu hắt, đọc Mẫu Đơn Đình một ví dụ kinh kịch nổi tiếng của Thang Hiến Tổ đời Nguyên, viết về nàng Lệ Nương chết đi mang theo một mối vọng tưởng, tình si.

Cũng đã nhiều người làm thơ về Tiểu Thanh. Ví như Chử Hạc Sinh, đương thời, trước mộ Tiểu Thanh:

Lặng đến mồ ai nắm cỏ xanhBâng khuâng rơi lệ khối oan tìnhMẫu Đơn Đình đó giờ ai đọcSong lạnh mưa thưa gió tạt mành

Đêm, Hạc Sinh một mình đi dưới rừng mai vẫn chưa thôi nghĩ đến số mệnh Tiểu Thanh mà tưởng như có một bóng dáng yêu kiều lãng đãng gót sen phía trước, lại làm thêm hai bài tứ tuyệt. Xin ghi một bài làm bằng:

Đêm sương trăng rọi vườn maiTưởng như thấp thoáng bóng ai diễm kiềuOán sao trận gió ban chiềuLan gầy trúc gãy đến điều tang thương

Cảm nhận về Tiểu Thanh – Mẫu 3

Tiểu Thanh là một người con gái tài sắc, nhưng phải làm lẽ mọn, bị hành hạ vì ghen tuông và đã chết khi còn trẻ. Tập thơ của Tiểu Thanh bị vợ cả đốt hết, chỉ còn lại một số bài gọi là “Phần dư”. Nguyễn Du đã đọc những bài thơ này, viếng nàng và khóc thương cho số phận của nàng.

Bài thơ Độc Tiểu Thanh kí thể hiện tình thương cảm, xót xa trước số phận người phụ nữ tài hoa bị vùi dập và chết trong oan ức. Nguyễn Du cũng tự cảm nhận về thân phận bi thương của chính mình:

“Tây hồ hoa uyển tẫn thành khưĐộc điếu song tiền nhất chỉ thưChi phấn hữu thần liên tử hậuVăn chương vô mệnh lụy phần dưCổ kim hận sự thiên nan vấnPhong vận kỳ oan ngã tự cưBất tri tam bách dư niên hậuThiền hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Nhan sắc xưa chỉ còn là nấm mộ. Tài hoa xưa chỉ còn lại một “phần dư”. Nhưng cuộc đời ấy, những câu thơ ấy đã khiến Nguyễn Du xúc động.

Tác giả viết về địa danh Tây Hồ (ở Trung Quốc), nơi phồn hoa xưa kia, nhưng cảnh đẹp cũ không còn, tất cả đã là quá khứ lụi tàn. Tây Hồ là nơi khởi hứng. Cảm xúc của nhà thơ mang tâm trạng u hoài. Cái “dâu bể” của trời đất đã khiến cho Tây Hồ là nơi “hoa uyển” xưa kia, giờ trở nên hoang tàn “thành khư”. Và giữa cái cảnh tượng gợi ra tâm trạng hoài cổ ấy, nhà thơ đã khóc Tiểu Thanh, viếng nàng qua một cuốn sách cũ để lại:

Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoangThổn thức bên song mảnh giấy tàn.

Trong hai câu thực, Nguyễn Du đã ca ngợi tài sắc của Tiểu Thanh:

Chi phấn hữu thần liên tử hậuVăn chương vô mệnh lụy phần dư

Nguyễn Du đánh giá rất cao Tiểu Thanh. Ông quá xúc động trước những số phận tài sắc bị vùi dập. Vẻ đẹp diệu kì, nét ảnh hoa đến mức “có thần” trở nên bất tử còn tiếp nối đến ngày sau “liên tử hậu”. Và văn chương không có số mệnh nhưng vẫn còn làm liên luỵ đến muôn đời. Tác giả suy nghĩ về sự ra đi của sắc đẹp, của tài hoa, làm cho người đời nuối tiếc. Giai nhân sẽ sống mãi với thời gian cũng như văn chương sẽ mang lại vẻ đẹp vĩnh hằng.

Trong hai câu luận, tác giả nâng cảm xúc lên thành một vấn đề lớn, có ý nghĩa sâu xa, vượt những giới hạn của không gian và thời gian:

“Cổ kim hận sự thiên nan vấnPhong vận kì oan ngã tự cư”

Nỗi oan trái trong số phận Tiểu Thanh được nâng lên thành nỗi đau kim cổ. Với con mắt của Nguyễn Du, đó là một quy luật nghiệt ngã mà con người thật sự bất lực. Nhưng Nguyễn Du đã đồng cảm sâu sắc với những số phận tài hoa bạc mệnh như Tiểu Thanh.

Đọc thêm:  40 ca dao, tục ngữ, câu đối hay về Tết Trung thu

“Tài mệnh tương đố” là quan niệm đã có từ xưa. Cái “sắc”, cái “tài” thường đi với tai ương, đó vừa là nghịch lí, vừa là hiện thực trớ trêu ở đời. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã từng viết:

“Thương thay cùng một kiếp ngườiHại thay mang lấy sắc tài làm chi”

Ở đây, Nguyễn Du đã kí thác tâm sự của cuộc đời thi sĩ, nghĩ về người và cũng ngẫm về mình. Một nàng Tiểu Thanh có tài, có sắc vướng vào vòng oan nghiệt. Tiểu Thanh bị đày đọa, chết khi còn trẻ và những sáng tác của nàng cũng cùng chung số phận, bị lưu lạc, đốt bỏ. Tố Như đã khóc cho nàng và cũng khóc cho mình.

Phong vận kì oan ngã tự cư

“Phong vận kì oan” là nỗi oan lạ lùng của những người hào hoa phong nhã. Những nét đẹp lẽ ra được cuộc đời tôn vinh, nhưng rốt cục lại phải chịu hậu quả nghiệt ngã. Một nàng Tiểu Thanh phải lìa đời lúc còn xuân sắc, một thi nhân có tài văn chương mà không có mệnh thành đạt như Nguyễn Du thì khác gì nhau? Đó là bất công ở đời. Một gia đình phong kiến hà khắc không dung nạp nổi con người tài sắc như Tiểu Thanh. Xã hội phong kiến hẹp hòi không dung nạp nổi Nguyễn Du.

Cảm nhận về Tiểu Thanh – Mẫu 4

Số kiếp người phụ nữ xưa nhiều long đong lận đận, bởi vậy mà bao tiếng thơ cất lên thể hiện những nỗi xót xa cho số phận ấy thật khiến người ta phải thổn thức, nghẹn ngào. Sinh ra vốn đẹp đẽ, tài năng, nhưng đời có câu: “hồng nhan bạc phận” thật chẳng sai, bao phận hồng nhan nổi trôi, bị vùi dập, chà đạp thậm chí phải chịu cái chết đau thương, oan ức. Nàng Tiểu Thanh trong “Đọc Tiểu Thanh Kí” của Nguyễn Du cũng là một phận đời như thế.

Tiểu Thanh vốn thông minh lại xinh đẹp, nết na, nàng lọt vào mắt xanh của Phùng Sinh- một tên giàu có, ham thú ăn chơi. Hắn mua Tiểu Thanh về làm thiếp khi nàng mới vừa tròn mười sáu tuổi. Nhưng sống trong giàu có mà lại chẳng thể có nổi một niềm vui, nàng phải chịu bao nỗi đắng cay bởi sự ghen tuông của người vợ cả. Kiếp chồng chung vốn vẫn vậy, ai mà chẳng muốn được bên đấng trượng phu của mình, mụ vợ cả đã tìm mọi cách đẩy nàng xuống chân núi Cô Sơn sống cuộc đời hiu quạnh. Nơi bốn bề hiu hắt, lấy gió rừng làm bạn, văn chương làm người tri kỉ, bao nỗi buồn tủi, đớn đau, hờn oán được nàng gửi gắm vào từng trang thơ. Cuối cùng, nàng đã qua đời khi vừa bước sang tuổi mười tám, nàng đã sống một số kiếp ngắn ngủi với bao nỗi sầu muộn khôn nguôi. Đến khi chết rồi, những áng thơ của nàng cũng bị người vợ cả tàn nhẫn kia đốt hết, chút phần dư còn lại được người giữ gìn, khắc ghi. Nguyễn Du đã viết nên những vần thơ xót thương cuộc đời nàng:

“Tây Hồ cảnh đẹp hoá gò hoangThổn thức bên song mảnh giấy tàn”

Cảnh Tây Hồ vốn đẹp đẽ khiến bao người mê đắm với những bông hoa tươi thắm, với thiên nhiên trong lành tuyệt diệu giờ chỉ là cái gò hoang. Quá khứ đẹp đẽ kia đã không còn nữa, giờ đây chỉ còn lại sự tàn lụi mà thôi. Phải chăng, khung cảnh ấy cũng như cuộc đời Tiểu Thanh vậy, sắc đẹp hương trời, thơ ca đàn múa đều giỏi khiến bao người ngợi khen lại phải chịu phận làm lẽ, chịu bao bất công, cuối đời chỉ nhận lại được sự buồn chán, cô đơn. Mảnh giấy tàn nhà thơ nâng niu bên song cửa là chút tâm tư nàng gửi gắm vào thơ còn may mắn sót lại, có lẽ thơ nàng mang nỗi đau nhân thế, nỗi oán hận số kiếp bạc mệnh của mình khiến Nguyễn Du phải thổn thức, đau đáu, nghẹn ngào.

“Son phấn có thần chôn vẫn hậnVăn chương vô mệnh đốt còn vương”

Cuộc đời nàng chịu nhiều ngang trái khiến những vật tưởng như vô hình, vô tri ấy vẫn mang nỗi tiếc hận khôn nguôi. Và có lẽ, dù có chết đi rồi nhưng sắc đẹp, nhân cách và tài năng của nàng vẫn luôn tồn tại mãi với thời gian, chẳng gì có thể làm mất đi được những điều đó cả. Dù cho bao kẻ vô lương tâm muốn hủy cùng diệt tận thì bởi một lẽ nào đó nó vẫn tồn tại, vẫn tiếp tục sống cuộc đời nàng.

“Cổ kim hận sự trời khôn hỏiCái án phong lưu khách tự mang”

Số phận truân chuyên của nàng Tiểu Thanh khiến ai ai cũng phải tiếc thương, dù mấy trăm năm trước hay bây giờ niềm tiếc hận ấy vẫn khôn nguôi, khiến lòng người không khỏi xót xa và tự vấn. Sao số kiếp con người thiên lương lại phải chịu đọa đày? Tại sao những người tài hoa lại chẳng được trân trọng, nâng niu? Trời cao có thấu được nỗi lòng kẻ phong lưu mang nỗi niềm nhân thế?

Bài thơ là tiếng khóc thương của Nguyễn Du cho cuộc đời nàng Tiểu Thanh- người cố nhân chịu nhiều oan trái. Qua đó, không chỉ khắc hoạ được hình ảnh nàng Tiểu Thanh tài hoa bạc mệnh mà còn thấy được cảm hứng nhân văn cao cả của một tấm lòng thiết tha với cuộc đời, với con người.

5/5 - (8623 bình chọn)
Cảm ơn các bạn đã đồng hành và theo dõi https://th-thule-badinh-hanoi.edu.vn/ !!!!. Hãy cho chúng tớ 1 like để tiếp tục phát triển nhều kiến thức mới nhất cho bạn đọc nhé !!!

Huyền Trân

Dương Huyền Trân có trình độ chuyên môn cao về giáo dục và hiện tại đang đảm nhận vị trí chuyên viên quản trị nội dung tại website: https://th-thule-badinh-hanoi.edu.vn/ . Để hoàn thành thật tốt công việc mà mình đang đảm nhận thì tôi phải nghiên cứu và phân tích quá trình hoạt động phát triển các dịch vụ, sản phẩm của từng ngành khác nhau.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button