Trung Quốc tìm cách phát triển AI không cần chip đời mới
Hàng loạt lệnh cấm của Mỹ khiến lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc gặp khó. Trong đó, tham vọng dẫn đầu về AI càng trở nên khó đạt khi từ cuối năm ngoái, Mỹ yêu cầu các công ty như Nvidia và AMD ngừng xuất khẩu chip AI hàng đầu sang Trung Quốc.
Để khắc phục, doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc được cho là đang nghiên cứu kỹ thuật cho phép kết hợp các mẫu chip đời cũ và tối ưu hóa phần mềm để tạo nên một hệ thống AI mạnh mẽ. Đây là giải pháp tình thế để tránh các hạn chế từ Mỹ trong khi chờ đợi các bước tiến về bán dẫn trong nước.
Tham vọng AI của Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất sau khi Mỹ yêu cầu Nvidia không được cung cấp A100 và H100 – hai chip phổ biến và mạnh nhất hiện nay trong lĩnh vực AI. Để “lách luật”, Nvidia đã hạ hiệu năng hai mẫu chip này và đặt tên là A800 và H800 để có thể bán cho đối tác Trung Quốc.
Theo WSJ, trong một hội nghị kín về AI ở Bắc Kinh gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc cho biết đã tích trữ được từ 40.000 đến 50.000 chip A100 để đào tạo mô hình AI lớn. Riêng những công ty hàng đầu như Alibaba và Baidu đã dự trữ A100 từ trước lệnh trừng phạt.
Baidu được cho là đã đình chỉ gần hết các nhóm sử dụng A100, gồm cả bộ phận xe tự lái, để tập trung chip cho phát triển Ernie Bot – chatbot có tính năng tương tự ChatGPT của OpenAI. Tuy nhiên, họ cũng tìm cách đưa chip nội địa vào các hệ thống AI, như DCU của Hygon Information Technology, Ascend của Huawei và Kunlun do Baidu tự phát triển.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, chip nội địa không đáng tin cậy trong việc đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) vì dễ bị hỏng. Do đó, theo giáo sư Yang You tại Đại học Quốc gia Singapore, nhiều công ty Trung Quốc cố gắng kết hợp ba hoặc bốn chip A800 và H800 để tạo một hệ thống mạnh tương đương A100 và H100. “Cách này thực sự tốn kém. Nếu một công ty Mỹ cần 1.000 chip H100 để đào tạo một LLM, một công ty Trung Quốc sẽ phải cần 3.000 chip H800 trở lên để đạt kết quả tương tự”, ông nói.
Cũng theo giáo sư, sự tốn kém buộc các công ty Trung Quốc phải kết hợp nhiều loại chip – điều trước đây chỉ doanh nghiệp nhỏ muốn tiết kiệm chi phí mới làm. Chẳng hạn, Alibaba, Baidu và Huawei dùng song song A100 với chip thế hệ cũ như V100, P100 và Huawei Ascend cho hệ thống AI của mình.
Susan Zhang, nhà nghiên cứu AI tại Meta, đánh giá việc kết hợp nhiều chip cho một hệ thống AI là “giải pháp cuối cùng” vì hệ thống có thể hoạt động thiếu ổn định và dễ bị hỏng.
Theo nhà phân tích Dylan Patel của công ty nghiên cứu bán dẫn SemiAnalysis, cách thức của Trung Quốc chỉ là giải pháp tạm thời. Việc không có quyền tiếp cận các mẫu chip mới nhất như A100 hay H100 khiến các hệ thống AI từ Trung Quốc còn rất lâu mới có thể đuổi kịp các sản phẩm như ChatGPT. Tuy nhiên, theo chuyên gia của Peng Cheng Laboratory, viện nghiên cứu có trụ sở tại Thâm Quyến, với sự quyết tâm, các công ty Trung Quốc có thể tạo phần mềm đào tạo AI mà không cần đến phần cứng mới nhất. “Nếu hoạt động tốt, khả năng cao chúng sẽ giúp vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ một cách hiệu quả”, người này đánh giá.
Bảo Lâm (theo WSJ)
- Mỹ cấm vận nhà sản xuất máy chủ AI lớn nhất Trung Quốc
- Trung Quốc khát nhân tài AI
- Chatbot AI giống ChatGPT nở rộ tại Trung Quốc
- Alibaba ra mắt ‘ChatGPT phiên bản Trung Quốc’