Soạn bài Bắt sấu rừng U Minh Hạ Soạn văn 12 tập 2 bài 22 (trang 50)
Truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ sẽ được hướng dẫn học thêm trong chương trình Ngữ văn lớp 12.
th-thule-badinh-hanoi.edu.vn sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 12: Bắt sấu rừng U Minh Hạ, mời các em học sinh cùng tham khảo để có thể chuẩn bị bài một cách đầy đủ và nhanh chóng.
Tác phẩm Bắt sấu rừng U Minh Hạ
Nghe đọc Bắt sấu rừng U Minh Hạ:
(Lược phần đầu: Ở vùng U Minh Hạ, cá sấu thường đi ngược sông vào giữa rừng tràm sinh sống. Một người lên rừng lấy mật ong phát hiện ra ở ngọn rạch Cái Tàu có cái ao sấu “nhiều như trái mù u chín rụng”).
Cái ao sấu ở ngọn rạch Cái Tàu đã bị phát giác. Tin ấy đồn đại lần lần, thấu đến tai ông Năm Hên, người thợ già chuyên bắt sấu ở Kiên Giang đạo, tức là vùng Rạch Giá ngày nay. Ông bơi chiếc xuồng ba lá nhỏ đến địa phận làng Khánh Lâm, ngọn rạch Cái Tàu. Trong xuồng, có vỏn vẹn một lọn nhang trần và một hũ rượu.
Từ sớm tới chiều, ông bơi xuồng tới lui theo rạch mà hát:
Hồn ở đâu đây?Hồn ơi! Hồn hỡi!Xa cây xa cối,Xa cội xa nhành,Đầu bãi cuối gành,Hùm tha, sấu bắt,Bởi vì thắt ngặt,Manh áo chén cơm,U Minh đỏ ngòmRừng tràm xanh biếc!Ta thương ta tiếc,Lập đàn giải oan…
Giọng nghe ảo não, rùng rợn. Dân làng thấy chuyện kỳ lạ, xuống đứng dưới bến để nhìn kỹ. Đoán chừng ông lão nọ là người có kì tài, họ mời ông lên nhà, làm thịt gà, mua rượu thết đãi.
Sau khi tự xưng danh tánh, ông bảo:
– Nghe đồn có ao sấu, tôi chẳng nệ đường xa để tới xứ Khánh Lâm này…
– Té ra ông là thợ câu sấu!
Ông Năm Hên lắc đầu:
– Thợ bắt sấu chớ không phải thợ câu. Hai nghề đó khác nhau. Câu thì dùng lưỡi sắt, móc mồi bằng con vịt sống. Đó là ở dưới nước. Đằng này tôi chuyên bắt sấu trên khô, không cần lưỡi.
– Vậy chớ ông bắt bằng gì?
– Tôi bắt bằng… hai tay không.
Ai nấy ngạc nhiên. Ông Năm Hên cười giòn:
– Bà con cô bác không tin sao?
Ai nấy nửa tin nửa nghi. Họ cố nhớ lại cách bắt sấu của mấy người thợ nào đến giờ. Bắt sấu bằng hai tay không quả là phi phàm, thế gian hi hữu. Không lẽ ông Năm Hên này lại nói láo để lường gạt, ổng nào đã mở miệng xin tiền bạc cơm gạo gì của xóm này? Ai nấy nôn nao, thiếu điều muốn năn nỉ ông đi bắt sấu tức thì để coi thử cách thức.
– Thưa ông, chừng nào ông ra nghề để cho dân làng chúng tôi được mừng? Nếu cần tiếp giúp chuyện chi, chúng tôi sẵn sàng. Ở xóm này, thiếu gì trai lực lưỡng đã từng gài bẫy cọp, săn heo rừng.
Ông Năm Hên đáp:
– Sáng mai sớm, đi cũng không muộn. Tôi cần một người dẫn đường đến ao cá sấu đó. Có vậy thôi! Chừng một giờ đồng hồ sau là xong chuyện! Sấu ở ao giữa rừng, tôi bắt nhiều lần rồi. Bà con cứ tin tôi. Xưa nay, bị sấu bắt là người đi ghe xuồng hoặc ngồi rửa chén dưới bến, có bao giờ sấu rượt người ta giữa rừng mà ăn thịt? Tôi đây không tài giỏi gì hết, chẳng qua là biết mưu mẹo chút ít, theo như người khác thì họ nói đó là bùa phép để kiếm tiền. Nghề bắt sấu có thể làm giàu được, ngặt tôi không mang thứ phú quới đó. Nói thiệt với bà con: cha mẹ tôi sanh ra chỉ có hai anh em tụi tôi. Anh tôi xuống miệt Gò Quao phá rừng lập rẫy hồi mười hai năm về trước. Sau được tin cho hay: ảnh bị sấu ở ngã ba Đình bắt mất. Tôi thề quyết trả thù cho anh. Cực lòng biết bao nhiêu khi nghe ở miệt Rạch Giá, Cà Mau này có nhiều con rạch, ngã ba, mang tên Đầu Sấu, Lưng Sấu, Bàu Sấu, sau này hỏi lại tôi mới biết đó là nơi ghê gớm, hồi xưa lúc đất còn hoang. Rạch Cà Bơ He, đó là chỗ sấu lội nhiều, người Miên sợ sấu không dám đi qua nên đặt tên như vậy, cũng như phá Tam Giang, truông Nhà Hồ của mình ngoài Huế.
Sáng hôm sau, ông Năm Hên đi lên ao sấu, có Tư Hoạch – một tay ăn ong rất rành địa thế vùng Cái Tàu dẫn đường. Nhiều người nài nỉ xin đi theo. Ông Năm Hên cản lại:
– Đi nhiều chộn rộn lắm. Tôi không giấu nghề với bà con đâu. Có Tư Hoạch đi theo coi mà.
Đã quá giờ ngọ.
Ngóng về phía ao sấu U Minh Hạ, ai nấy đều thấy một làn khói đen bốc lên. Ban đầu ngỡ là cháy rừng, chập sau, khói lụn xuống. Trong lúc đó bà con xóm Cái Tàu lo nấu cơm, mua rượu đợi chiều làm tiệc ăn mừng. Nhưng ngạc nhiên làm sao, trời vừa xế, lúc ai nấy đang nghỉ trên nhà, bỗng nghe tiếng kêu réo từng hồi:
– Bà con ơi! Ra coi sấu… Bốn mươi lăm con còn sống nhăn.
Rõ ràng là giọng Tư Hoạch.
– Diệu kế! Diệu kế! Tôi là Tư Hoạch đi bắt sấu về đây. Bà con coi sấu lội có hàng dưới sông mình nè! Một đời người mới có một lần.
Dưới sông, Tư Hoạch ngồi trên xuồng, bơi nhè nhẹ như đi dạo mát.
Tiếp theo lái xuồng là một bầy sấu, con này buộc nối đuôi con kia, đen ngòm như khúc cây khô dài. Mỗi con sấu, hai chân sau thúc ké trên lưng, hai chân trước tự do, quạt nước cầm chừng như tiếp sức với Tư Hoạch để đẩy chiếc bè quái dị kia đi nhẹ nhàng. Thực tế hay là chiêm bao? Người thì đứng há miệng sửng sốt rồi toan chạy vào nhà trốn. Người khác khấn vái lâm râm, e nay mai xóm này bị sự trừng phạt của quỷ thần. Vài người dạn hơn, bơi xuồng ra giữa sông, nhìn bầy sấu nọ cho tỏ rõ rồi rước Tư Hoạch vào bờ hỏi han rối rít.
Đại khái, Tư Hoạch trình bày:
– Tới ao sấu, ông Năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế rồi ngồi xuống uống một chung rượu. Kế đó ổng với tôi lấy xuổng đào một đường nhỏ, ngày một cạn, từ bờ ao lên rừng chừng mười thước. Xong xuôi, ổng biểu tôi bứt cho ổng một nắm dây cóc kèn. Phần ổng thì lo đốn một đống cây mốp tươi, chặt ra khúc chừng ba tấc.
Lửa châm vô sậy đế, cóc kèn xung quanh, bắt cháy xuống đám sậy đế trong ao. Chập sau, bị khói bay cay mắt, ngộp thở, phần thì nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy. Tức thời, ông Năm Hên chạy lại. Sấu há miệng hung hăng đòi táp ổng. Ổng đút vô miệng sấu một khúc mốp. Sấu táp lại, dính chặt hai hàm răng: như mình ngậm một cục mạch nha quá lớn, muốn há miệng cho rộng để nhả ra cũng không được. Sấu bị khúc mốp khoá miệng, còn cái đuôi đập qua đập lại. Ông Năm xách cây mác, nhắm ngay sau lưng sấu mà xắn nhè nhẹ để cắt gân đuôi. Đuôi sấu bị liệt. Thế là mình yên trí, lấy dây cóc kèn trói thúc ké hai chân sau của nó lại; chừa hai chân trước để nó bơi tiếp với mình.
– Thực là bực thánh của xứ này rồi! Mưu kế như vậy thực quá cao cường. Ổng đâu rồi? Sao không thấy ổng về? Xóm mình nhất định đền ơn ổng một số tiền, nuôi ổng cho tới già, ở xóm này. Bà con tính sao?
Tư Hoạch nói:
– Mà quên! Ông biểu tôi về trước cho bà con coi thử. Phần ổng mắc ở lại cúng “đất đai vương trạch” rồi đi bộ về sau.
Chưa dứt lời, bên sông nghe tiếng hát của ông Năm Hên, ngày một rõ:
Hồn ở đâu đây?Hồn ơi! Hồn hỡi!Xa cây xa cối,Xa cột xa nhành,Đầu bãi cuối gành,Hùm tha, sấu bắt,Bởi vì thắt ngặt,Manh áo chén cơm,U Minh đỏ ngòm,Rừng tràm xanh biếc!Ta thương ta tiếc,Lập đàn giải oan…
Tiếng như khóc lóc, nài nỉ. Tiếng như phẫn nộ, bi ai. Ghê rợn nhất là khi thấy ông đi ra khỏi mé rừng, áo rách vai, tóc rối nùi, mắt đỏ ngầu, bó nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay.
– Coi tướng của ổng ghê như tướng thầy pháp! – Một người thốt lên như vậy.
Nhưng có tiếng khóc sụt sùi đâu đây. Đó là vài cụ già, bà lão chạnh nhớ đến tổ tiên, đến bạn bè của mình, biết đâu trên bước đường sanh nhai giữa chốn nước đỏ rừng xanh, có thân nhân của họ đã bỏ thân vì đàn sấu này. Bó nhang đang cháy kia có giải oan được cái chết của họ không chớ?
Soạn văn Bắt sấu rừng U Minh Hạ chi tiết
I. Tác giả
– Sơn Nam (1926 – 2008) còn có bút danh khác là Phạm Đông Thới, tên khai sinh là Phạm Minh Tài.
– Ông sinh ra ở làng Đông Thới, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang…
– Ông tham gia cách mạng từ năm 1945 và hoạt động văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp ở khu IX.
– Từ năm 1954 đến năm 1975, ông làm báo – viết văn ở Sài Gòn.
– Sau năm 1975, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. ‘
– Một số tác phẩm: Tây đầu đỏ, Bên rừng cù lao Dung, Hương rừng Cà Mau, Người Sài Gòn…
II. Tác phẩm
1. Xuất xứ
“Bắt sấu rừng U Minh Hạ” thuộc tập truyện ngắn “Hương rừng Cà Mau”.
2. Bố cục
Gồm 2 phần:
- Phần 1. Từ đầu đến “của mình ngoài Huế”: Ông Năm Hên chèo thuyền xuống đến làng Khánh Lâm bắt sấu
- Phần 2. Còn lại. Câu chuyện bắt sấu của ông Năm Hên qua lời kể của Tư Hoạch.
3. Tóm tắt
Tin đồn có cá sấu ở ngọn rạch Cái Tàu đến tai ông Năm Hên – người thợ già chuyên bắt cá sấu ở Kiên Giang. Ông bơi xuồng đến địa phận làng Khánh Lâm, ngọn rạch Cái Tàu. Ông bắt cá sấu không phải vì tiền bạc, phú quý mà để giúp dân và trả thù cho người anh trai bị cá sấu bắt ngày trước. Buổi sáng hôm sau, Tư Hoạch – một người dân địa phương dẫn ông lên ao cá sấu. Buổi chiều, ông trở về cùng với 45 con cá sấu nối đuôi nhau theo thuyền. Tư Hoạch kể lại cách bắt sấu phi phàm của ông Năm Hên, ai nấy đều kính phục và tôn Năm Hên là “bậc thánh xứ này”.
Xem thêm Tóm tắt Bắt sấu rừng U Minh Hạ
III. Đọc – hiểu văn bản
1. Thiên nhiên U Minh Hạ
– Bao la, kỳ thú nhưng cũng đầy hoang sơ, nguy hiểm.
– Sông nước mênh mông, kênh rạch chằng chịt, rừng tràm rộng lớn…
– Có nhiều thú dữ như heo rừng, cọp, cá sấu… Đặc biệt là loài cá sấu vô cùng nguy hiểm “Cá sấu lội từng đàn” và “nhiều như trái mù u chín rụng”…
2. Nhân vật ông Năm Hên
a. Tính cách
– Một con người phóng khoáng, giản dị, mộc mạc: “một chiếc xuồng ba lá, có vỏn vẹn một lọn nhang trầm và một hũ rượu”
– Ông cũng rất khiêm tốn: “Tôi không tài giỏi gì cả, chẳng qua là biết chút mưu mẹo”.
– Một con người sống rất tình cảm, nghĩa hiệp: “nghề bắt sấu có thể làm giàu được, ngặt vì tôi không mang thứ phú quới đó” – bắt cá sấu để trả thù cho anh và giúp người dân, chứ không vì tiền bạc, phú quý.
– Một con người gan góc, tài giỏi: bắt một lúc hàng chục con cá sấu.
b. Tài nghệ bắt cá sấu của ông
– Cách bắt thông minh, bản lĩnh: ép sấu lên bờ bằng kế đốt đám sậy ở ao, dồn sấu vào con đường đã đào sẵn, khóa miệng sấu bằng khúc mốp, cắt gân đuôi cho sấu không tấn công được, dùng dây cóc kèn trói thúc hai chân sau, để hai chân trước để sấu bơi theo xuồng về
=> Ông được người dân ghi nhận công lao và nể phục: “Diệu kế! Diệu kế, Thực là bậc thánh xứ này rồi”.
c. Ý nghĩa về tiếng hát của ông
– Tấm lòng ân tình, bày tỏ sự tiếc nuối, cảm thông trước những hi sinh, mất mát của người dân lao động.
– Sự hóa giải cho những linh hồn bất hạnh, những con người bỏ mạng vì “miếng cơm manh áo” nơi rừng xanh nước đỏ.
Soạn văn Bắt sấu rừng U Minh Hạ ngắn gọn
Hướng dẫn trả lời câu hỏi:
Câu 1. Qua tác phẩm trên, thiên nhiên và con người vùng U Minh Hạ hiện lên với những đặc điểm nổi bật nào?
– Thiên nhiên vùng U Minh Hạ: hoang sơ, trù phú nhưng cũng nguy hiểm, nhiều bất trắc:
- Nhiều kênh rạch, sông nước mênh mông, rừng tràm rộng lớn.
- Nhiều thú dữ như cọp, heo rừng, cá sấu… Đặc biệt là “cá sấu thường đi ngược sông vào giữa rừng tràm sinh sống”, có người phát hiện “cái ao sấu lớn ở ngọn rạch Cái Tàu”, sấu “nhiều như trái mù u chín rụng”.
– Con người vùng U Minh Hạ:
- Sức sống mãnh liệt: bám trụ và gắn bó lâu đời với mảnh đất nhiều nguy hiểm, thử thách như rừng U Minh Hạ.
- Giàu tình cảm, ân tình ân nghĩa: ông Năm Hên vì anh bị sấu bắt mà quyết trả thù sau thành rành nghề bắt sấu; chi tiết các cụ già sụt sùi nhớ đến tổ tiên, bạn bè từng bỏ mạng chốn rừng sâu nước độc vì miếng cơm manh áo…
- Trí dũng, gan góc, can trường: “xóm này, thiếu gì trai lực lưỡng từng gài bẫy cọp, săn heo rừng”; ông Năm Hên bắt sấu…
Câu 2. Phân tích tính cách tài nghệ của nhân vật Năm Hên. Bài hát của Năm Hên gợi cho anh chị cảm nghĩ gì?
* Tính cách:
– Một con người phóng khoáng, giản dị, mộc mạc: “một chiếc xuồng ba lá, có vỏn vẹn một lọn nhang trầm và một hũ rượu”
– Ông cũng rất khiêm tốn: “Tôi không tài giỏi gì cả, chẳng qua là biết chút mưu mẹo”.
– Một con người sống rất tình cảm, nghĩa hiệp: “nghề bắt sấu có thể làm giàu được, ngặt vì tôi không mang thứ phú quới đó” – bắt cá sấu để trả thù cho anh và giúp người dân, chứ không vì tiền bạc, phú quý.
– Một con người gan góc, tài giỏi: bắt một lúc hàng chục con cá sấu.
* Tài nghệ bắt cá sấu của ông:
– Cách bắt thông minh, bản lĩnh: ép sấu lên bờ bằng kế đốt đám sậy ở ao, dồn sấu vào con đường đã đào sẵn, khóa miệng sấu bằng khúc mốp, cắt gân đuôi cho sấu không tấn công được, dùng dây cóc kèn trói thúc hai chân sau, để hai chân trước để sấu bơi theo xuồng về
=> Ông được người dân ghi nhận công lao và nể phục: “Diệu kế! Diệu kế, Thực là bậc thánh xứ này rồi”.
* Ý nghĩa của bài hát:
– Tấm lòng ân tình, bày tỏ sự tiếc nuối, cảm thông trước những hi sinh, mất mát của người dân lao động.
– Sự hóa giải cho những linh hồn bất hạnh, những con người bỏ mạng vì “miếng cơm manh áo” nơi rừng xanh nước đỏ.
Câu 3. Nêu những nét đặc sắc về nghệ thuật kể chuyện, sử dụng ngôn ngữ của Sơn Nam trong tác phẩm.
– Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn với cách kể tự nhiên, sinh động.
– Ngôn ngữ mang đậm màu sắc Nam Bộ.
– Hình ảnh thiên nhiên được miêu tả chân thực.
Câu 4. Cảm nhận của anh chị về vùng đất và con người miền cực nam Tổ quốc qua truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ.
– Truyện gợi cho người đọc những phát hiện thú vị về vùng đất và con người miền cực nam Tổ quốc.
– Thiên nhiên rộng lớn, hoang sơ và con người dũng cảm, gan góc đem đến cho người đọc tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ.