Đề xuất cấm tua công-tơ-mét và đưa xe về ‘zin’ để đăng kiểm
Dự thảo lần 4 của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó, Bộ Công An đề xuất nhiều hành vi bị cấm, lần đầu tại Việt Nam, nổi bật là “tự ý thay đổi chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của ôtô” và “thay đổi phụ tùng xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi đăng kiểm”.
Đây là hai vấn đề không mới với người sử dụng ôtô, nhưng trở nên đáng chú ý từ 2022 tới nay. Nhiều năm qua, các văn bản luật của Việt Nam chưa có quy định cụ thể về hình thức và chế tài xử phạt với hai hành vi nêu trên.
Với việc thay đổi chỉ số báo quãng đường trên đồng hồ odo (tua công-tơ-mét), theo giới buôn xe, hành vi này diễn ra phổ biến trên thị trường xe cũ. Xuất phát từ nhu cầu mua một chiếc xe cũ nhưng chạy ít để phần nào yên tâm về chất lượng, những người bán xe cũ, đặc biệt các “con buôn” thường tua ngược để lừa dối khách hàng.
Tua công-tơ-mét không chỉ khiến người dùng mua phải chiếc xe không đúng hiện trạng, mà còn liên quan tới tính toán chu kỳ bảo hành, bảo dưỡng. Tùy từng mức quãng đường, xe phải bảo dưỡng cấp nhỏ/trung/lớn khác nhau. Nếu một xe phải bảo dưỡng cấp lớn, nhưng chỉ số lại ở cấp nhỏ, người dùng có thể bỏ qua những chi tiết cần thay thế, ảnh hưởng tới chất lượng và an toàn vận hành.
Bên cạnh đó, tua công-tơ-mét còn mang tới những rắc rối về mặt pháp lý. Gần đây nhất, việc Anycar, đơn vị bán ký gửi chiếc Honda City cũ “đã bị tua công từ trước” cho khách hàng cũng gây ra những tranh cãi về trách nhiệm các bên.
Ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Anh, Australia…, hành vi tua công-tơ-mét của ôtô có thể phạt hành chính lẫn phạt tù. Riêng tại Mỹ, đây là một tội hình sự nghiêm trọng.
Luật của Mỹ nghiêm cấm hành vi quảng cáo, rao bán, lắp đặt hay sử dụng các thiết bị để thay đổi công-tơ-mét. Cá nhân vi phạm đối diện với mức phạt tiền tối đa 250.000 USD hoặc gấp đôi số tiền lãi ròng hoặc lỗ ròng có được từ hành vi tội phạm, tùy mức nào nhiều hơn. Mức phạt tù cho hành vi này cao nhất là 3 năm.
Ngoài tua công-tơ-mét, việc thay đổi phụ tùng để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đi đăng kiểm cũng được Bộ Công an đề xuất cấm. Hành vi này xuất hiện vào cuối 2022 khi hoạt động đăng kiểm bị siết chặt, nhiều chủ xe đổ xô đến garage để tháo phụ kiện độ thêm hoặc thuê các bộ phận nguyên bản (zin) như đèn, la-zăng… từ những nơi khác để đưa xe về zin trước khi đi đăng kiểm.
Với cách làm này, chiếc xe khi đi đăng kiểm và chiếc xe thực tế chạy trên đường hàng ngày có thể khác nhau về hình thức, kết cấu đến khả năng vận hành. Ví dụ, một chiếc xe lắp LED-bar (đèn LED chiếu sáng công suất lớn trên nóc xe) có thể tháo ra dễ dàng khi đi đăng kiểm, sau đó sử dụng trên đường, gây nguy hiểm cho những người khác.
Quy định này để tránh trường hợp xe độ “vô tội vạ”, sau đó thay đồ zin đi đăng kiểm, rồi lắp đồ trở lại khi vận hành, không đồng nghĩa với việc cấm xe nâng cấp để an toàn và vận hành ổn định hơn. Xe vẫn có thể nâng cấp các chi tiết, miễn đảm bảo những chi tiết này không nằm ở lỗi MaD (khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng) theo quy định tại Thông tư 2/2023 của Bộ GTVT.
Phạm Trung
Cảm ơn các bạn đã đồng hành và theo dõi https://th-thule-badinh-hanoi.edu.vn/ !!!!. Hãy cho chúng tớ 1 like để tiếp tục phát triển nhều kiến thức mới nhất cho bạn đọc nhé !!!