Viết bài luận tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ công lý của Tòa án nhân dân Giải GDKTPL 10 KNTT Bài 22
Viết bài luận tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ công lí của Tòa án nhân dân là một chủ đề rất hay nằm trong chương trình Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Bài 22 Kết nối tri thức với cuộc sống.
Bài luận tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ công lí của Tòa án nhân dân mang đến 2 bài luận mẫu siêu hay. Thông qua tài liệu này giúp các bạn có thêm nhiều tư liệu tham khảo nhanh chóng biết cách viết bài luận nhiệm vụ của Tòa án nhân dân. Đồng thời qua đó các bạn hiểu được chức năng nhiệm vụ của Tòa án nhân dân. Vậy sau đây là nội dung chi tiết tài liệu, mời các bạn cùng đón đọc.
Đề bài: Em hãy viết bài luận tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ công lí của Tòa án nhân dân và chia sẻ với thầy cô cùng các bạn.
Bài luận tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ công lí của Tòa án nhân dân
Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý có nghĩa là tòa án phải đem đến lẽ phải, sự công bằng trong các vụ tranh chấp mà mình xét xử. Quan trọng hơn, tòa án cũng phải cho xã hội thấy rằng lẽ phải, sự công bằng đã được thực thi trong mỗi vụ tranh chấp mà nó phán xử. Đó là chân lý hiển nhiên, đã trở thành khẩu hiệu của Tư pháp hiện đại: “không những công lý phải được thực thi mà mọi người phải thấy rằng công lý đã được thực thi”, Nếu tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ này, mỗi người dân sẽ nhận thức được rằng trong bộ máy nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam luôn có một loại cơ quan xét xử chuyên nghiệp để đem lại lẽ phải, lẽ công bằng cho mình mỗi khi có tranh chấp, mỗi khi quyền lợi của mình bị xâm phạm và cần được bảo vệ; rằng cơ quan đó được giao sứ mệnh đem lại công lý cho mình dù kẻ xâm phạm tới quyền lợi của mình có sức mạnh, sự côn đồ hay ngông cuồng tới đâu, thậm chí là cơ quan nhà nước, bởi lẽ phán quyết của cơ quan đó được bảo đảm bằng cưỡng chế nhà nước và tất cả các bên, kể cả các cơ quan nhà nước có liên quan, đều phải tuân phục. Mặt khác, khi đưa tranh chấp ra xét xử trước tòa án, cho dù phán quyết cuối cùng có đúng với ý muốn vị kỷ của các bên hay không các bên cũng phải công nhận rằng đó là công lý đối với mình. Như vậy, tòa án phải thực hiện hoạt động xét xử của mình sao cho đối với người dân, tòa án và công lý là một, như chân lý, không thể tách rời.
Trong bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay, chỉ có tòa án, chứ không phải cơ quan nhà nước nào khác, có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Sở dĩ như vậy là vì chỉ có tòa án là cơ quan xét xử chuyên nghiệp, được Hiến pháp giao thực hiện quyền tư pháp. Tòa án phân xử để tìm ra lẽ phải, lẽ công bằng trong những tranh cãi và xung đột lợi ích giữa các bên. Hoạt động xét xử của tòa án được thực hiện một cách công khai và tuân thủ các quy trình tố tụng chặt chẽ. Thẩm phán, những người trực tiếp xét xử, được đào tạo pháp luật bài bản, được trả lương từ ngân sách và không có lợi ích cá nhân liên quan tới vụ việc tranh chấp. Các cơ quan khác như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân… đều không có chức năng này. Tham gia các thủ tục tố tụng tư pháp còn có một số cơ quan nhà nước khác như cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân. Song các cơ quan này không có thẩm quyền đưa ra quyết định phân xử đối với tranh chấp mà chúng có những chức năng riêng. Cơ quan điều tra có chức năng điều tra làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án hình sự. Viện kiểm sát nhân dân đại diện Nhà nước thực hiện quyền công tố trong các vụ án hình sự và tiến hành kiểm sát các hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, do không được trao thẩm quyền đưa ra quyết định phân xử cuối cùng nên các cơ quan này không được giao nhiệm vụ bảo vệ công lý mà chỉ đóng vai trò nhất định trong quá trình tố tụng để từ đó tòa án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý.
Như vậy, sẽ là không chính xác nếu nói rằng “tòa án có nhiệm vụ trừng trị vi phạm pháp luật và trấn áp tội phạm”. Trong một vụ án hình sự, cho dù người phạm tội đã nhận được hình phạt thích đáng với hành vi phạm tội của mình thì đó cũng không phải là do tòa án đã “trừng trị” họ mà đó là do tòa án đã thực thi công lý đối với họ, sau khi đã tiến hành quá trình xét xử dựa trên các nguyên tắc tố tụng công bằng. Với nhiệm vụ thi hành công lý, tòa án càng thể hiện rõ vị trí trung tâm của hệ thống tư pháp Việt Nam.
Thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ công lý cũng là cơ sở để tạo ra lòng tin của người dân đối với tòa án. Tòa án không bảo vệ được công lý là điều tồi tệ nhất. Khi đó người dân sẽ nghĩ rằng tòa án không phải là nơi có thể bảo vệ quyền và lợi ích của mình và họ sẽ không tìm đến tòa án mỗi khi có tranh chấp. Nói cách khác họ mất niềm tin vào tòa án. Từ đó, họ mất đi niềm tin vào công lý trong xã hội. Mất đi lòng tin của người dân, sự tồn tại của tòa án sẽ trở thành vô nghĩa đối với xã hội. Tóm lại, chỉ khi nào hoàn thành được nhiệm vụ “bảo vệ công lý” thì tòa án mới có thể giành được niềm tin của xã hội.
Mẫu bài luận tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ công lí của Tòa án nhân dân
Tòa án nhân dân là thiết chế cơ bản có chức năng bảo vệ công lý. Theo lời của ông Nguyễn Xuân Tùng :”Mục tiêu lớn nhất của nền tư pháp chính là thay thế tư tưởng dùng bạo lực bằng tư tưởng dùng quyền, sử dụng “lực đạo lý” thay cho “lực vật chất” bằng cách đặt ra khâu can thiệp trung gian giữa cầm quyền và dùng sức mạnh vật chất.
Như vậy, để tạo sự “thuận nguyện” trong tuân phục pháp luật, các chính quyền cần phải đặc biệt quan tâm đến vai trò của tòa án.” Một xã hội ổn định, trật tự và thịnh vượng đòi hỏi mọi người dân luôn phải “tuân phục” pháp luật. Tuy nhiên, cơ chế nào để người dân tuân phục pháp luật lại lại một lựa chọn đầy thách thức cho mỗi chính quyền.
Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân và các Tòa án quân sự do luật định là những cơ quan thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khác với Quốc hội – cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ – cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Tòa án không giải quyết các vấn đề chung, ở tầm vĩ mô, chính sách mà có chức năng giải quyết các vấn đề cụ thể, từng tình huống, sự kiện trong đời sống xã hội, thực hiện việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, có thể nói, Tòa án không phải là phương tiện duy nhất nhưng là phương tiện chủ yếu nhất trong việc giải quyết các tranh chấp, các vụ việc trong một xã hội hiện đại. Khởi kiện tại Tòa án chỉ là một trong số nhiều biện pháp giải quyết tranh chấp, quyền lực của Tòa án có thể được thay thế bởi các cơ chế như hòa giải, trọng tài, tư vấn, thương thuyết…
Tóm lại, trong hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước, Tòa án nhân dân được xác định là cơ quan đại diện trung tâm nhất và đầy đủ nhất của quyền tư pháp. Chức năng cơ bản của tòa án là bảo vệ công lý và bảo vệ lợi ích của các cá nhân, tổ chức khi bị xâm hại. Đó cũng chính là lý do Tòa án luôn được quan niệm là cơ quan duy nhất trong bộ máy nhà nước nhân danh công lý, là hiện thân, biểu tượng của lẽ phải, sự công bằng, bình đẳng của một nhà nước, một chế độ.