Từ học sinh trường làng đến nhà khoa học top 2% thế giới
Tiến sĩ Thông, 37 tuổi, hiện là giảng viên cao cấp khoa Kỹ thuật Xây dựng, Đại học Curtin, Australia. Anh sẽ trở thành phó giáo sư của trường vào tháng 6 tới.
Theo dữ liệu do Đại học Stanford và Nhà xuất bản Elsevier công bố, anh Thông nằm trong top 2% nhà khoa học hàng đầu thế giới về chỉ số trích dẫn bài báo khoa học, từ năm 2020 đến nay.
“Tôi không nghĩ mình đi được xa như vậy”, anh Thông nói.
Thời đi học, anh Thông luôn có thành tích học tập nổi bật ở trường THCS Hòa Trị 2, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa. Sau khi đạt giải học sinh giỏi Toán cấp tỉnh năm lớp 9, anh Thông thi đỗ vào trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Vì trường học cách xa nhà, anh Thông chuyển đến sống cùng ông bà ngoại.
Ngay buổi học đầu tiên, anh Thông không giải được bài toán nào của thầy, trong khi các bạn làm được theo 2-3 cách. Sợ tụt lại phía sau, anh tìm mua sách chuyên Toán về tự học. Đều đặn khoảng ba, bốn giờ sáng, anh dậy tập thể dục, học bài rồi mới đến trường, buổi tối không thức quá 22h.
“Ông dạy tôi thành công mỗi ngày sẽ thành công một tuần, một tháng, một năm và cả cuộc đời. Để một ngày thành công, trước hết tôi phải dậy sớm, tinh thần minh mẫn, sức khỏe dồi dào mới làm được việc”, anh chia sẻ. Theo anh Thông, cuối năm lớp 10, anh vào top 5 của lớp và duy trì suốt những năm cấp ba.
Năm 2004, anh Thông đỗ khoa Xây dựng, Đại học Bách khoa TP HCM với điểm số cao và giành học bổng du học Nga. Dù vậy, anh quyết định không đi. Theo học lớp kỹ sư tài năng đầu tiên, được học với những giảng viên đầu ngành, năm năm sau, chàng trai Phú Yên tốt nghiệp với điểm khóa luận cao nhất khóa, được trường giữ lại làm giảng viên.
Anh Thông sau đó tập trung học tiếng Anh và trau dồi chuyên môn. Năm 2011, anh giành học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại Đại học Wollongong, Australia. Vì chưa qua bậc thạc sĩ, anh Thông chọn chương trình kết hợp thạc sĩ và tiến sĩ trong bốn năm. Sau khi xem hồ sơ và phỏng vấn, giáo sư Muhammad Hadi, khoa Xây dựng dân dụng mỏ và Môi trường, khuyên anh làm thẳng tiến sĩ.
Ông Hadi nói ấn tượng với cậu học trò người Việt tuy giao tiếp tiếng Anh chưa tốt nhưng có tinh thần học hỏi. Anh Thông xin thầy làm trợ giảng và được đồng ý. “Quyết định dũng cảm này là bước ngoặt trong việc cải thiện tiếng Anh của tôi”, anh Thông chia sẻ.
Nhiệm vụ của anh là tóm tắt bài học, giải đáp kiến thức và hướng dẫn sinh viên làm bài tập. Sinh viên nói nhanh, không đủ câu và bằng nhiều giọng khác nhau khiến anh Thông bối rối. Đôi lúc, sinh viên hỏi đến lần thứ hai, anh vẫn không hiểu và phải hỏi lại.
“Tôi thấy rõ sự thất vọng của các em và áy náy. Tôi quyết tâm phải hiểu được các bạn ấy nói gì”, anh Thông nhớ lại, cho biết cuối tuần đã tham gia tất cả câu lạc bộ tiếng Anh ở trường và cộng đồng mà mình biết. Áp lực khi vừa nghe vừa đoán, vừa phải nói được nhưng điều đó cũng khiến khả năng tiếng Anh của anh Thông tiến bộ vượt bậc.
Với những sinh viên còn chậm, anh đưa ra bài tập phù hợp và kiên nhẫn giải thích. Những bạn khá hơn, anh giải thích ý nghĩa bài Toán và thử thách họ bằng các cách giải khác nhau. Trước đó, anh Thông chuẩn bị kỹ từ vựng chuyên ngành ở nhà, tập phát âm những từ khó. Cuối học kỳ một, giáo sư hướng dẫn ngạc nhiên khi anh nhận được phản hồi tích cực từ sinh viên cao hơn mặt bằng chung của khoa.
Ngoài trợ giảng, anh Thông miệt mài nghiên cứu theo hướng dẫn của thầy. “Đến trường từ 7h và về lúc 21h nhưng tôi chỉ mong tới sáng để làm tiếp”, anh chia sẻ.
Chỉ trong hai năm, anh đã hoàn thành khối lượng nghiên cứu của ba năm. Cuối năm thứ hai, anh đạt giải sinh viên sau đại học xuất sắc nhất ngành Kỹ thuật xây dựng của trường. Anh cũng được nhận bằng khen của hiệu trưởng cho luận án tiến sĩ xuất sắc.
“Không nhiều sinh viên có được vinh dự này. Luận án của Thông được cả hai người phản biện khen ngợi”, giáo sư Hadi cho biết.
Từ năm 2013 đến nay, anh Thông có hơn 160 bài công bố trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopus (hệ thống dữ liệu khoa học uy tín trên thế giới). Nghiên cứu của anh tập trung vào việc tạo ra những vật liệu mới từ các phế phẩm, rác thải công nghiệp và dân dụng như vỏ chai, lốp xe cao su, vỏ trấu, lõi bắp, góp phần cải thiện môi trường.
Năm 2020, anh Thông trở thành giảng viên Đại học Curtin.
Trong buổi gặp học sinh trường THPT chuyên Lương Văn Chánh hồi tháng 1, anh nói để thành công, mỗi người cần học hỏi từ thất bại. Dù có kết quả nghiên cứu tốt, anh nhiều lần không thành công khi xin funding (tiền hỗ trợ nghiên cứu). Anh Thông sau đó nhận ra cần tập trung vào những đề tài có tính ứng dụng cao trong cộng đồng. Cải thiện được điều đó, các đề cương mà anh gửi đi đều nhận được phản hồi tốt.
Anh Thông đang nhắm đến cải thiện công nghệ xây dựng nhà lắp ghép. Các cấu trúc do anh đề xuất đã được thử nghiệm, thể hiện ưu điểm so với cấu trúc truyền thống như dùng ít nhân công, tiết kiệm thời gian hơn. Anh cũng đề xuất các phương pháp thiết kế kết cấu bê tông để chống lại các tải trọng ngẫu nhiên như các tải trọng va chạm xe cộ, cháy nổ.
Năm 2022, ý tưởng về kết cấu bảo vệ các công trình đặc biệt như đại sứ quán, tòa nhà chính phủ, tòa nhà quốc hội khỏi bom, đạn, và các hoạt động khủng bố của anh nhận được hỗ trợ tài chính của Hội đồng nghiên cứu cấp quốc gia của Australia.
Trên website, Đại học Curtin cho biết anh Thông đã nhận được tổng cộng 750.000 USD (17,6 tỷ đồng) tài trợ nghiên cứu.
Theo anh Thông, một kinh nghiệm khác là tăng cường kết nối với người thành công. Anh thường viết email làm quen hay nhờ bạn bè, đồng nghiệp giới thiệu với họ, rồi tích cực thảo luận các đề tài nghiên cứu. Mỗi lần dự hội nghị, anh tìm hiểu trước về người cần trao đổi, gặp gỡ, gửi email sau buổi gặp để giữ mối quan hệ.
“Học hỏi từ thất bại, không ngừng nâng cao năng lực của bản thân, giữ niềm đam mê cháy bỏng và chiến đấu đến cùng là chìa khóa để tiến xa trong sự nghiệp”, anh Thông nói.
Bình Minh
Cảm ơn các bạn đã đồng hành và theo dõi https://th-thule-badinh-hanoi.edu.vn/ !!!!. Hãy cho chúng tớ 1 like để tiếp tục phát triển nhều kiến thức mới nhất cho bạn đọc nhé !!!