Trung Quốc sắp ra quỹ 41 tỷ USD để thúc đẩy ngành chip
Theo Reuters, chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị ra mắt Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp, còn gọi là Big Fund. Quỹ được thành lập trong bối cảnh nước này đang nỗ lực tự chủ trong cuộc đua bán dẫn. Mục tiêu huy động 300 tỷ nhân dân tệ (41 tỷ USD) khiến quy mô của quỹ vượt xa các quỹ trước đó được thành lập vào năm 2014, 2019 với giá trị lần lượt 138,7 tỷ nhân dân tệ (19 tỷ USD) và 200 tỷ nhân dân tệ (27 tỷ USD).
Trong khi đó, vào tháng 8/2022, Mỹ cũng đã thông qua gói tài trợ trị giá 52 tỷ USD để yêu cầu các công ty chip hạn chế mở rộng hoạt động với Trung Quốc.
Một trong những nguồn tin thân cận của Reuters cho biết lĩnh vực đầu tư chính của quỹ là thiết bị sản xuất chip. Nhu cầu này đang trở nên cấp thiết sau khi Mỹ áp đặt loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu máy móc và công nghệ làm chip. Một trong những lý do được Mỹ đưa ra là Trung Quốc có thể dùng chip tiên tiến để tăng cường khả năng quân sự.
Tháng 10 năm ngoái, Mỹ tiếp tục ra quy định nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến từ Nhật Bản, Hà Lan.
Kế hoạch thành lập quỹ được Trung Quốc phê duyệt trong những tháng gần đây. Bộ Tài chính nước này đang lên kế hoạch đóng góp 60 tỷ nhân dân tệ (8,2 tỷ USD). Danh tính của những tổ chức còn lại chưa được tiết lộ.
Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc không đưa ra bình luận. Các nguồn tin cho biết quá trình gây quỹ có thể mất vài tháng và chưa rõ khi nào quỹ được triển khai chính thức.
Một tháng trước, Bloomberg cho biết Trung Quốc đã tiến thêm một bước để tự chủ về chip. Công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc Shanghai Micro Electronics Equipment (SMEE) đã đạt được bước tiến quan trọng khi sẵn sàng cung cấp thiết bị sản xuất chip 28 nanomet đầu tiên vào cuối năm. Đây được đánh giá là bước đột phá của ngành chip Trung Quốc sau giai đoạn bị Mỹ cấm vận. Việc có thể tự làm thiết bị in thạch bản được coi là mắt xích quan trọng trong tham vọng tự chủ bán dẫn của bất kỳ quốc gia nào.
Tuần trước, điện thoại Huawei Mate 60 Pro ra mắt và cũng gây xôn xao khi sử dụng chip Kirin 9000s – mẫu chip cao cấp đầu tiên được cho là do SMIC sản xuất trong nước kể từ khi bị Mỹ cấm vận. Các chuyên gia đánh giá đây là tín hiệu lạc quan cho thấy Trung Quốc đang đạt được tiến bộ trong nỗ lực thay thế công nghệ Mỹ.
Khương Nha (theo Reuters, Bloomberg)
Cảm ơn các bạn đã đồng hành và theo dõi https://th-thule-badinh-hanoi.edu.vn/ !!!!. Hãy cho chúng tớ 1 like để tiếp tục phát triển nhều kiến thức mới nhất cho bạn đọc nhé !!!