Trung Quốc đầu tư cáp quang 500 triệu USD đối đầu Mỹ
Theo bốn nguồn tin nói với Reuters, ba nhà mạng China Telecom, China Mobile Limited và China Unicom đang đặt tham vọng tạo ra một mạng lưới cáp quang biển tiên tiến nhất và vươn xa nhất thế giới. Được gọi là EMA, tuyến cáp sẽ nối Hong Kong với đảo Hải Nam của Trung Quốc, sau đó đến Singapore, Pakistan, Arab Saudi, Ai Cập và Pháp.
Chi phí xây dựng tuyến cáp dự tính khoảng 500 triệu USD. Quá trình sản xuất vật liệu và lắp đặt do HMN Technologies, công ty cáp quang nổi tiếng Trung Quốc, đảm nhiệm. Một phần chi phí xây dựng tuyến cáp được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ.
China Mobile, China Telecom, China Unicom và HMN Technologies từ chối bình luận. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này “luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện hợp tác và đầu tư nước ngoài”, nhưng không đề cập về dự án EMA.
EMA được đánh giá là sẽ cạnh tranh trực tiếp với một tuyến cáp khác đang được xây dựng bởi SubCom của Mỹ có tên SeaMeWe-6, kết nối Đông Nam Á với Pháp, Pakistan, Arab Saudi, Ai Cập và 6 quốc gia khác. Nhà thầu SeaMeWe-6 ban đầu có China Mobile, China Telecom, China Unicom và các nhà mạng viễn thông từ một số quốc gia. Dự án cũng chọn HMN xây dựng tuyến cáp, nhưng một chiến dịch gây áp lực từ chính phủ Mỹ khiến hợp đồng được chuyển sang SubCom năm ngoái. China Telecom và China Mobile sau đó rút lui.
Thông tin về tuyến cáp quang mới xuất hiện một tháng sau khi có nguồn tin tiết lộ Mỹ đã ngăn chặn thành công một số dự án cáp quang Trung Quốc trong bốn năm qua do “lo ngại vấn đề theo dõi” – điều mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó phản đối. Mỹ cũng chặn giấy phép xây dựng các tuyến cáp ngầm tư nhân nối Mỹ với Hong Kong, trong đó có các dự án do Google, Meta và Amazon đứng sau.
Các tuyến cáp quang đang đảm nhận hơn 95% lưu lượng truy cập Internet quốc tế. Trong nhiều thập kỷ, chúng chủ yếu thuộc sở hữu của các công ty viễn thông và công nghệ. Nhưng gần đây, một số nước đang tìm cách nắm quyền kiểm soát cáp quang với mục đích xác định uy thế kinh tế và quân sự trong những thập kỷ tới.
Theo một số chuyên gia, việc Mỹ và Trung Quốc cùng hậu thuẫn xây dựng các tuyến cáp riêng nối các châu lục là chưa có tiền lệ. Theo Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng tại RAND Corporation, đây có thể là dấu hiệu ban đầu cho thấy cơ sở hạ tầng Internet toàn cầu, gồm cáp quang, trung tâm dữ liệu và mạng di động, có nguy cơ bị chia rẽ trong thập kỷ tới.
Bảo Lâm (theo Reuters)
- Sẽ có 10 tuyến cáp quang biển kết nối vào Việt Nam
- Nơi dễ tổn thương nhất của Internet toàn cầu
- Cuộc chiến kiểm soát cáp quang biển ở Thung lũng Silicon