Thủ khoa tốt nghiệp từng bỏ học ba năm
Hồ Quốc Tường, 27 tuổi, quê Quảng Trị, tân cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Gia Định, trở thành thủ khoa tốt nghiệp toàn khóa với điểm trung bình (GPA) đạt 3.8/4.
Trong lễ tốt nghiệp sáng 23/4, Tường nói kết quả này là cả một hành trình dài đầy thăng trầm. Năm 2015, khi đang là sinh viên năm thứ hai ngành Công nghệ thông tin của một trường đại học ở Huế, Tường đã bỏ học. Em cho biết lúc đó bản thân mất phương hướng, không biết học xong sẽ làm gì, cộng thêm kinh tế gia đình khó khăn nên quyết định bỏ học để đi làm.
“Có lẽ vì từng đi làm, biết thực tế cuộc sống khó khăn nên khi quay lại giảng đường, em quyết tâm, kỷ luật hơn xưa”, Tường nói.
Trong ba năm bỏ học, Tường làm nhiều công việc, từ nhân viên bán hàng đến marketing, chủ yếu là việc bán thời gian.
“Làm nhân viên bán hàng cũng không quá vất vả. Nhưng một ngày em tự hỏi mình, chẳng lẽ cứ mãi giậm chân ở công việc như thế này”, Tường nhớ lại. Nam sinh nhận ra để có công việc và mức lương tốt hơn, cần phải có kiến thức ở bậc đại học.
Nhưng nghĩ đến đó, Tường biết sẽ phải đối mặt với cảnh vay mượn, làm thêm liên tục vì phải tự lo mọi chi phí. Qua nhiều ngày suy nghĩ, giữa những khó khăn trước mắt và tương lai mãi loay hoay với những công việc nửa vời, Tường quyết định quay lại học đại học. Nam sinh chọn vào Sài Gòn vì cho rằng vùng đất mới có nhiều cơ hội về việc làm.
Nghe con trai chia sẻ, bố mẹ Tường không ủng hộ. Bố mẹ em đặt ra nhiều câu hỏi: “làm sao để trang trải học phí và sinh hoạt”, “chừng nào mới ổn định được khi phải bắt đầu lại từ số 0” và không tin con trai có thể trụ được nếu vừa làm vừa học.
“Thật ra lúc đó em cũng sợ, nhưng nghĩ đến gia đình, tương lai bản thân, em quyết tâm đi học lại”, Tường cho hay.
Năm 2019, Tường vào Sài Gòn. Có chút vốn liếng về ngoại ngữ, Tường nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Gia Định. Nhập học xong, nam sinh cũng lao vào làm nhiều công việc như chạy xe công nghệ, phục vụ quán ăn, dạy Tiếng Anh, hỗ trợ kỹ thuật cho một công ty máy ảnh,… để kiếm tiền nộp học phí và trang trải cuộc sống.
“Những ngày không có lịch học, em làm từ 5 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Vừa làm thêm nhiều việc vừa tranh thủ thời gian học bài”, Tường nói.
Để đảm bảo việc học khi lịch làm thêm dày đặc, tân thủ khoa nói kinh nghiệm là luôn học trước một bước. Trước khi đến lớp ở bất cứ môn nào, em đều xem và học trước nội dung của buổi hôm đó từ giáo trình hoặc video bài giảng trên YouTube. Vì thế, sau khi học trên lớp, em có thể nhớ kỹ, nắm chắc nội dung bài giảng. Khi kiểm tra hoặc thi kết thúc môn, thời gian ôn tập sẽ rút ngắn lại.
“Em học mọi lúc có thể, không chờ đến tối vì lúc đó đi làm về quá mệt, không có sức để học bài. Trong lúc chạy xe, di chuyển từ điểm này qua điểm khác em cũng tranh thủ nghe tiếng Anh hoặc bài giảng trên mạng”, Tường kể.
Dù vậy, nam sinh cũng không tránh khỏi những lúc kiệt sức, muốn buông xuôi. Hơn cả những khó khăn, mệt mỏi là áp lực khi nhìn bạn bè đồng trang lứa đã ra trường, ổn định công việc trong khi bản thân vẫn chông chênh. Những lúc như thế, Tường nghĩ về gia đình và tự động viên mình cố gắng, không để bố mẹ phải thất vọng thêm lần nữa.
Thầy Trần Thái Thông, Phó phụ trách khoa Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ, đánh giá Tường có nền tảng tiếng Anh khá ngay từ đầu và rất chăm chỉ – một tố chất cần có của người học ngôn ngữ. Tường còn là một lớp trưởng trách nhiệm, chủ động giúp đỡ các bạn trong học tập.
Khi biết câu chuyện của Tường, thầy Thông nói xúc động với ý chí của chàng trai quê Quảng Trị.
“Việc bắt đầu lại con đường đại học sau ba năm đi làm đã không dễ, em còn phải tự lo cho bản thân nhưng vẫn đảm bảo bài vở, luôn đạt điểm cao”, thầy Thông nhận xét.
Sau khi tốt nghiệp, Tường được trường giữ lại làm việc và chờ học lên thạc sĩ. Chàng trai vẫn duy trì công việc làm thêm tại công ty chuyên về máy ảnh và mở lớp dạy tiếng Anh vào buổi tối.
Nhiều lần nhìn lại quyết định bỏ học giữa chừng, Tường thừa nhận đó là quyết định không đúng, nhưng không hối tiếc hay ân hận.
“Em chọn sai và phải trả giá. Thời gian, quãng đường em đi dài hơn bạn bè đồng trang lứa. Nhưng em cũng học được sự kiên trì, nhẫn nhịn, chấp nhận thất bại, biết được thực tế cuộc sống khó khăn để cố gắng hơn”, Tường nói.
Lệ Nguyễn
Cảm ơn các bạn đã đồng hành và theo dõi https://th-thule-badinh-hanoi.edu.vn/ !!!!. Hãy cho chúng tớ 1 like để tiếp tục phát triển nhều kiến thức mới nhất cho bạn đọc nhé !!!