Sergey Brin trở lại Google
Theo WSJ, Sergey Brin, người cùng với Larry Page thành lập Google năm 1998 và cùng rời ghế lãnh đạo năm 2019, đã đến trụ sở công ty ở Mountain View, California khoảng 3-4 ngày một tuần vài tháng gần đây. Mục tiêu mới của ông là cùng các nhà nghiên cứu thúc đẩy phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo lớn tiếp theo.
Các nguồn tin tiết lộ Brin bắt đầu tham gia các cuộc họp chuyên về AI tại văn phòng của Alphabet, công ty mẹ của Google, từ cuối năm ngoái, nhưng tần suất và cường độ tham gia của ông tăng mạnh gần đây. Trước đó, sau khi thôi mọi vị trí tại công ty do mình sáng lập, Brin không can dự vào hoạt động nội bộ, trừ các dự án về khinh khí cầu hay hỗ trợ thiên tai.
Brin được cho là cùng với đội ngũ phát triển một mô hình ngôn ngữ lớn có tên Gemini. Trong đó, nhóm chủ yếu thảo luận về kỹ thuật, như cách đo hiệu suất của các chương trình AI theo thời gian thực. Ông cũng can thiệp vào vấn đề nhân sự ở mảng này, gồm tuyển dụng các nhà nghiên cứu hàng đầu.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Brin tại Google phản ánh sự coi trọng của công ty đối với AI – lĩnh vực Google đi trước về sau, chậm chân hơn các đối thủ trong việc biến ý tưởng thành sản phẩm cho người dùng cuối. Hãng tìm kiếm đã nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo từ lâu, nhưng bị công ty khởi nghiệp OpenAI vượt mặt.
Gemini là nỗ lực của Google về một mô hình AI phục vụ đa mục đích, cạnh tranh với GPT-4 của OpenAI. Theo một nguồn tin, trong cuộc họp nội bộ gần đây, Demis Hassabis, người phụ trách giám sát dự án, nói Gemini có thể được giới thiệu năm nay.
Vai trò mới của Brin
Brin được cho là đã dành phần lớn thời gian ngồi cùng các nhà nghiên cứu AI tại tòa nhà Charleston East mới được xây dựng, cách trung tâm văn phòng Google vài phút đi bộ. CEO Sundar Pichai cũng thường lui tới khu vực này.
Khi rời khỏi Google cách đây bốn năm, Brin cùng Page cho biết sẽ chỉ “đưa ra lời khuyên và tình yêu thương, nhưng không phải là sự cằn nhằn hàng ngày”. Tuy nhiên, sự trở lại của ông cho thấy vai trò mới đang quan trọng hơn thế. Pichai cũng được cho là rất vui mừng về sự tham gia của Brin và đã khuyến khích những đóng góp mới của nhà đồng sáng lập.
Google có khởi đầu thuận lợi về trí tuệ nhân tạo khi thành lập đơn vị nghiên cứu về lĩnh vực này năm 2011 có tên Google Brain. Nhưng trước sự phát triển quá nhanh, Pichai quyết định hợp nhất đơn vị này với DeepMind, công ty nghiên cứu AI hoạt động độc lập dưới sự bảo trợ của Alphabet. Động thái này cũng nâng Hassabis, người đồng sáng lập DeepMind, lên vị trí điều hành nhóm mới.
Theo các nguồn tin, đa số thành viên nghiên cứu chấp nhận sự hiện diện của Brin, coi đó là “sự can thiệp hữu ích” cho giai đoạn chuyển tiếp sau khi hợp nhất hai nhóm AI. Đại diện công ty cho biết, ông không có vai trò chính thức nào ở công ty, ngoài là đồng sáng lập và cố vấn trong hội đồng quản trị.
Vào tháng 3, Brin xuất hiện trong ảnh chụp tại trụ sở Google cùng với Pichai và Kent Walkerm, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google, trong chuyến thăm của thủ tướng Luxembourg. Ông mặc quần thể thao màu xám và áo dài tay màu đen, trong khi những người khác mặc vest.
Ban đầu Brin được cho là không xem trọng nhóm Google Brain, thậm chí hoài nghi mục tiêu đội ngũ này sẽ làm. “Thành thật mà nói, tôi không chú ý đến nó chút nào”, ông nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017. “Nhưng vài năm sau, thành tựu của nhóm khiến tôi đảo ngược suy nghĩ”.
Khi trở lại, Brin chủ yếu tập trung đến vấn đề nhân sự, giữa lúc hàng loạt công ty công nghệ lớn khác cũng tranh giành nhân tài AI. Trong khi đó, dù là một trong những nhà khoa học máy tính được kính trọng nhất thế giới, Brin dường như chưa bắt kịp những phát triển gần đây nhất về AI. “Ông ấy không có đóng góp đáng kể về viết mã cho các dự án”, một nguồn nội bộ Google cho biết.
Bảo Lâm (theo WSJ)
- Tình bạn giữa Elon Musk và Sergey Brin
- Google thử nghiệm làm việc không Internet
- Siêu AI của Google có thể nói tiếng Việt
- Google từ chối minh bạch thuật toán AI
- Loạt sản phẩm ‘đậm chất AI’ Google vừa ra mắt