Niềm vui biết chữ của người già ở miền Tây
Bốn tháng qua, đúng 16 h mỗi thứ 3, 5, 7, bà Nguyễn Thị Thao, 74 tuổi, mang theo túi nilon đựng sách, vở, đi bộ trên con đường nông thôn ở xứ biển – ấp Sào Lưới, đến lớp học xoá mù chữ do Hội phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái tổ chức.
“Từ nhà đến chỗ học có 500 m nên tôi thích đi bộ hơn là nhờ người chở. Sau bốn tháng, tôi đã biết đọc và viết chữ. Bây giờ có thể viết được tên mình, tôi vui lắm”, bà Thao nói, cho biết ít khi nghỉ học, trừ khi bị bệnh.
Cách nhà bà Thao không xa, ông Nguyễn Văn Sang, 62 tuổi, là một trong hai học viên nam của lớp, cũng đến trường rất đúng giờ. Sinh ra trong thời chiến tranh, nhà lại nghèo nên thuở nhỏ ông Sang không được đi học. Sau này, do bận rộn mưu sinh nên ở tuổi lục tuần, ông vẫn chưa biết chữ. Ông Sang cho biết thường cùng các bạn học đến lớp sớm để quét dọn, chuẩn bị bài vở. “Các cô dạy rất nhiệt tình nên tôi cũng rất nhanh biết chữ, ngoài ra còn được dạy làm toán đơn giản”, ông Sang nói.
Còn bà Đỗ Thị Huệ, 47 tuổi, thì vừa đi học vừa đi làm. “Nhà neo người nên không có ai trông cháu, tuy hơi cực nhưng đến lớp là vui rồi”, bà Huệ cho biết. Hàng ngày, bà Huệ làm thuê cho các cơ sở thu mua cá. Những hôm có buổi học thì bà xin về sớm, rồi làm bù vào những ngày còn lại.
Lớp học ở ấp Sào Lưới là một trong hai điểm dạy chữ của Hội phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái, lớp còn lại ở ấp Gò Công. Theo bà Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội, cũng là giáo viên đứng lớp, các học viên dù tuổi đã cao nhưng không khí học luôn sôi động và nhiều tiếng cười. “Những nét chữ tuy còn nguệch ngoạc nhưng đó là nỗ lực rất đáng được trân trọng, bởi các cụ tìm đến con chữ khi mắt đã mờ, tay yếu”, bà An nói, cho biết do các học viên đa phần là người lớn tuổi, lao động nghèo nên việc dạy chữ diễn ra vào buổi chiều, khi bà con đã hoàn thành công việc hàng ngày. Mỗi lớp học thường diễn ra trong khoảng 4 – 5 tháng với gần 20 học viên.
Bà An từng là giáo viên dạy văn gần 15 năm ở một trường THCS của huyện Phú Tân. Trong quá trình công tác, bà An trăn trở khi nhìn thấy bà con phải lăn tay khi làm các thủ tục tục hành chính. Vì thế, năm 2015, bà xin mở lớp học xóa mù chữ cho người dân tại địa phương. Lớp học xóa mùa chữ đầu tiên được mở tại ấp Gò Công chỉ với ba học viên tham gia, nhưng bà An vẫn đều đặn dạy đúng giờ. Sau đó, nhiều người tham gia hơn nhưng không ít bỏ ngang vì mặc cảm, gánh nặng cuộc sống. Các giáo viên cũng rất vất vả bởi các học viên đã lớn tuổi nên trí nhớ kém. Bằng sự chân thành và tận tâm, sau 7 năm, số người tham gia các lớp học ổn định hơn, hàng trăm người dân ở địa phương đã biết chữ.
“Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là nhìn thấy bà con đọc được bảng hiệu, viết được tên mình”, bà An nói.
An Minh
Cảm ơn các bạn đã đồng hành và theo dõi https://th-thule-badinh-hanoi.edu.vn/ !!!!. Hãy cho chúng tớ 1 like để tiếp tục phát triển nhều kiến thức mới nhất cho bạn đọc nhé !!!