Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là gì? Điểm chuẩn và các trường đào tạo
Trong những năm gần đây, Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (L&QLCCƯ) được khá nhiều bạn trẻ quan tâm. Đây là ngành học đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Dù ra đời cách đây chưa lâu nhưng nó đã lọt vào top những ngành nghề xu hướng hot nhất hiện nay. Có lẽ rất nhiều bạn vẫn chưa hiểu rõ công việc của ngành Logistics cụ thể là làm gì, có thể học ngành này ở những đâu. Vậy trong bài viết này chúng tôi sẽ giải đáp tất cả các thắc mắc của các bạn.
Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là học gì?
Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Logistics and Supply Chain Management) là ngành phát triển và quản trị các dịch vụ vận chuyển từ điểm xuất phát đầu tiên đến nơi tiêu thụ cuối cùng sao cho đạt hiệu quả và tối ưu nhất. Nó bao gồm một chuỗi các hoạt động vận tải, cung ứng nguyên vật liệu, lưu kho bãi, xếp dỡ, làm thủ tục hải quan, quản trị tồn kho, dự trữ hiệu quả hàng hóa, quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thông tin từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ,… và rất nhiều hoạt động khác. Ngành Logistics đóng vai trò giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra nhằm đáp ứng 1 cách tốt nhất và nhanh nhất nhu cầu của khách hàng.
Các khối thi vào ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là gì?
Để thi vào ngành L&QLCCƯ, các sĩ tử có nhiều tổ hợp môn để lựa chọn. Đây là ngành liên quan đến tính toán nguồn cung cứng nên không thể thiếu môn Toán ở tất cả các khối thi. Dưới đây là các tổ hợp môn của ngành này:
- A00 (Toán, Vật Lý, Hóa Học)
- A01 (Toán, Vật Lý, Tiếng Anh)
- C01 (Toán, Ngữ Văn, Vật Lý)
- D01 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh)
- D07 (Toán, Hóa Học, Tiếng Anh)
- D90 (Toán, KHTN, Tiếng Anh)
- A16 (Toán, Ngữ Văn, KHTN)
- C15 (Toán, Ngữ Văn, KHXH)
Điểm chuẩn trúng tuyển ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là bao nhiêu?
Năm 2022, nếu lấy điểm thi THPT quốc gia sẽ rơi vào khoảng 14 điểm đến 28,2 điểm. Tuy nhiên, tùy vào từng trường sẽ có những tiêu chí phụ như chứng chỉ ngoại ngữ (Ielts, Toeic,..), điểm đánh giá năng lực,…Các bạn thường xuyên vào website trường để biết thêm nhiều thông tin hơn
Trường nào đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng?
Trong những năm gần đây thì những cơ sở đào tạo ngành L&QLCCƯ ngày càng được mở rộng. Những cơ sở này phân bố trên toàn quốc và có mặt ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Để theo đuổi lĩnh vực này, bạn có thể lựa chọn các trường đại học sau đây:
Khu vực miền Bắc
- Đại Học Công Nghệ và Quản Lý Hữu Nghị
- Đại Học Kinh Tế & Quản Trị Kinh Doanh – Đại Học Thái Nguyên
- Đại Học Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội
- Đại Học Điện Lực
- Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam
- Đại Học Bách Khoa Hà Nội
- Đại Học Thăng Long
- Đại Học Công Nghệ Giao Thông Vận Tải
- Đại Học Công Nghiệp Hà Nội
- Đại Học Giao Thông Vận Tải
Khu vực miền Trung
- Đại Học Phan Thiết
- Đại Học Kinh Tế – Đại Học Huế
Khu vực miền Nam
- Đại Học Mở TPHCM
- Đại Học Nguyễn Tất Thành
- Đại Học Quốc Tế Hồng Bàng
- Đại Học Bà Rịa – Vũng Tàu
- Đại Học Thủ Dầu Một
- Đại Học Hoa Sen
- Đại Học Văn Hiến
- Đại Học Công Nghệ TPHCM
Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng gồm những chuyên ngành nào?
Tùy vào từng trường đại học và chương trình đào tạo mà các chuyên ngành có thể khác nhau. Nhìn chung, Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng có các chuyên ngành chính sau đây
- Logistics & quản lý chuỗi cung ứng
- Tổ chức quản lý cảng – Xuất nhập khẩu và Giao nhận vận tải quốc tế
- Quản lý dịch vụ vận tải
- Thương mại điện tử
Liệu bạn có phù hợp với ngành học?
Muốn thành công trong lĩnh vực L&QLCCƯ, bạn phải luôn trau dồi bản thân để có những kỹ năng cần thiết. Dưới đây là những tố chất cần có nếu bạn có ý định theo đuổi lĩnh vực này:
- Khả năng sáng tạo, năng động, nhạy bén trước những biến đổi
- Có kỹ năng làm việc nhóm, chịu được áp lực công việc
- Khả năng lên kế hoạch và phân tích vấn đề
- Có trình độ ngoại ngữ, thành thạo tin học văn phòng
- Có khả năng đàm phán, thuyết phục, trình bày vấn đề một cách logic
Cơ hội việc làm dành cho ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng như thế nào?
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, trong giai đoạn 2020 – 2025, TPHCM mỗi năm có khoảng 310000 – 330000 vị trí cần chuỗi nhân lực, trong đó ngành Logistics chiếm 5% tương đương với 15000 việc làm. Như vậy, cơ hội việc làm trong ngành này là vô cùng rộng mở đối với các bạn sinh viên. Các bạn có thể tham khảo một số công việc dưới đây:
- Chuyên viên trong lĩnh vực logistics, vận tải, kinh doanh xuất nhập khẩu, phân phối kho hàng,… cho các tập đoàn, công ty trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài
- Chuyên viên nghiên cứu chính sách làm việc trong Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công thương
- Nhân viên quản lý điều hành hoạt động vận tải
- Nhân viên quản lý hàng hóa
- Nhân viên thu mua
- Điều phối viên sản xuất, phân tích chuỗi cung ứng
Mức lương của người làm trong ngành này là bao nhiêu?
Mức lương của ngành L&QLCCƯ có lẽ là thắc mắc chung của nhiều người. Đây là ngành học tuy còn mới mẻ nhưng đem lại mức lương vô cùng hấp dẫn. So với mặt bằng chung thì mức lương của sinh viên mới tốt nghiệp khá cao, từ 5 – 9 triệu/tháng. Đối với những người đã có 2 – 3 năm kinh nghiệm thì có thể kiếm 9 – 13 triệu/tháng. Khi làm ở những vị trí cao hơn như người đứng đầu quản lý và kiểm soát các hoạt động logistics hay giám đốc chuỗi cung ứng thì bạn có thể nhận được mức lương cao hơn gấp nhiều lần.
Kết luận
Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng là bộ phận không thể thiếu trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Đây được dự đoán là ngành học sẽ phát triển mạnh mẽ trong vài năm tới. Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về ngành học này. Chúc các bạn sớm tìm được công việc phù hợp với bản thân.