Nam sinh lớp 11 làm tranh từ bẹ chuối, vỏ bắp
Khang hiện là học sinh trường THPT Nguyễn Văn Công. Gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng Khang mê vẽ từ nhỏ. Em vừa học vừa tự mày mò, nhờ các giáo viên mỹ thuật ở trường chỉ bảo thêm.
Cách đây hơn một năm, Khang tìm hiểu và biết một số nghệ sĩ sử dụng vật liệu tự nhiên như vỏ tràm, lá sen làm chất liệu sáng tác, nên cũng muốn thử nghiệm.
Nam sinh nhận thấy bẹ chuối, vỏ và râu trái bắp hay cây lục bình mọc hoang dưới sông, rạch ở quê mình là nguồn vật liệu phong phú có thể tận dụng. Ngoài việc không mất tiền mua, những vật liệu này còn thân thiện với môi trường.
Những lúc rảnh rỗi, Khang hình dung bố cục tranh vẽ rồi dùng bút chì phác họa lên bề mặt ván ép. Ngoài ra, em đi thu hoạch, xử lý rồi phơi khô các nguyên liệu.
Theo nam sinh, để hạn chế dùng màu hóa học, em tận dụng các sắc độ có sẵn trên vật liệu khi phối màu cho tác phẩm.
“Viền bẹ chuối thường có màu trắng, sau đó sẽ đến một lớp màu vàng, giữa bẹ thường có màu nâu đen, tùy ý đồ mà em phân loại và cắt định hình, dùng keo dán lên hình đã phác họa”, Khang ví dụ.
Sau đó, nam sinh thử ghép tranh trên một bảng phụ để rút kinh nghiệm, sửa chữa rồi mới thực hiện bản chính. Tùy độ khó, chi tiết, mỗi tác phẩm của Khang mất từ một đến hai tháng để hoàn thành. Ở bước cuối, Khang dùng keo chống mốc, ẩm để bảo vệ bề mặt.
Nam sinh cho hay một bức tranh từ vật liệu tự nhiên nếu được bảo quản tốt có thể sử dụng 3, 4 năm.
Năm ngoái, tác phẩm “Hồn quê” bằng bẹ chuối, bông lúa của nam sinh đã vượt qua hàng trăm tác phẩm, đạt giải ba cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng” toàn quốc.Khang cho hay bức tranh miêu tả cuộc sống yên bình ở làng quê miền Tây với những hình ảnh thân thuộc như dòng sông, con đò và những rặng dừa.
Đầu năm nay, em cùng bạn học thực hiện bộ tranh “Hương sen xứ Gò” và “Lăng Hoàng Gia” bằng vỏ, râu bắp và cây lục bình phơi khô.
Khang cho biết chọn hoa sen do đây là quốc hoa. Trong khi đó, “Lăng Hoàng gia” là di tích lịch sử cấp quốc gia ở Long Hưng, thị xã Gò Công. Lăng được xây dựng từ năm 1826, là nơi yên nghỉ của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, ông ngoại vua Tự Đức và là thân sinh của thái hậu Từ Dụ, vợ vua Thiệu Trị. Đây là vị quan thanh liêm, văn võ song toàn thời nhà Nguyễn.
Vỏ bắp được Khang lựa từ những trái to, không bị sâu rồi phơi khô. Do có một màu duy nhất, nam sinh cùng bạn phơi vỏ dưới trời nắng ở nhiều mức độ khác nhau, càng lâu màu càng đậm.
“Sau đó, em đưa vỏ bắp vào máy ép, cán thật phẳng để tiện gia công làm cánh, lá sen. Râu bắp làm búp, nhụy sen, cây lục bình khô làm thân sen”, Khang kể.
Vừa qua, bộ tranh của Khang cùng bạn đã đạt giải nhất cuộc thi “Sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng” của huyện Gò Công Đông và được chọn dự thi cấp tỉnh.
Thầy Nguyễn Quang Khải, giáo viên hướng dẫn cho Khang, nhận định các bức tranh của học trò đều rất có hồn, xuất phát từ trí tưởng tượng cao cùng năng khiếu hội họa. Các tác phẩm của Khang có thể sử dụng làm đồ dùng dạy học hay trưng bày để quảng bá hình ảnh quê hương.
Nam An
Cảm ơn các bạn đã đồng hành và theo dõi https://th-thule-badinh-hanoi.edu.vn/ !!!!. Hãy cho chúng tớ 1 like để tiếp tục phát triển nhều kiến thức mới nhất cho bạn đọc nhé !!!