Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn TP Hồ Chí Minh năm học 2017 – 2018 (Có đáp án) Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn TP. HCM năm 2017
Sáng nay 2/6, thí sinh thành phố Hồ Chí Minh chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn, với thời gian làm bài là 120 phút. Đề thi vào lớp 10 môn Văn TP HCM được đánh giá là khơi gợi sự sáng tạo của học sinh, dù hơi khó và dài.
Mời các bạn cùng theo dõi đề thi chính thức, cũng như đáp án môn Văn tuyển sinh vào 10 TP Hồ Chí Minh dưới đây:
Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn TP Hồ Chí Minh năm học 2017 – 2018
Nội dung đề thi văn vào 10 TP. Hồ Chí Minh
Câu 1: (3 điểm)
Đọc hai văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Văn bản 1: Trong bức ảnh chụp cùng thần tượng Michael Phelps cách đây 8 năm, Joseph Schooling mới chỉ là cậu bé con đeo kính cận dày cộp, cao ngang vai Phelps. Nhưng 8 năm sau, khi có cơ hội tranh tài với thần tượng của mình ở nội dung 100m bơi bướm tại Thế vận hội mùa hè 2016, cậu bé năm nào không chỉ tự tin thể hiện tài năng mà còn buộc thần tượng chấp nhận chịu thua, nhường lại chiếc Huy chương Vàng tuyệt đẹp cho mình.
Chiến thắng của Schooling không chỉ là phần thưởng ngọt ngào cho những năm tháng miệt mài ngụp lặn trong bể bơi, mà nó còn thắp lên trong trái tim trẻ niềm tin: Khi làm bất cứ công việc gì, nếu có đủ ý chí và đam mê, một ngày nào đó ta không chỉ thành công mà còn có thể vượt qua chính thần tượng của mình hôm nay. (Dựa theo Hình ảnh Joseph Schooling và thần tượng Michael Phelps lan truyền chóng mặt, Lê Ái, Báo Thanh niên ngày 13/08/2016)
Văn bản 2: Diễn viên điện ảnh Jack Nicholson từng thần tượng Marlon Brando điên đảo đến mức nói một câu trứ danh: “Chừng nào ông ấy còn sống thì chẳng anh diễn viên nào ngóc đầu lên nổi”. Tất nhiên đây chỉ là một cách nói thậm xưng. Jack Nicholson học phương pháp diễn xuất thần sầu của Marlon và ông thậm chí còn vượt qua thần tượng của mình khi giành tới 3 giải Oscar so với 2 giải của Marlon.
(Trích Từ Phelps đến Schooling, từ Marlon Brando đến Leonardo Di Caprio. Lê Hồng Lâm – Thịnh Joey, Báo Tuổi trẻ ngày 16/8/2016)
a) Dựa vào văn bản trên, hãy cho biết những thành tích nào của Joseph Schooling và Jack Nicholson đã chứng tỏ họ vượt qua thần tượng. (0,5 điểm)
b) Chỉ ra một phép liên kết câu có trong đoạn đầu của văn bản 1. (0,5 điểm)
c) Xác định thông điệp chung của hai văn bản trên. (1.0 điểm)
d) Em có nhận xét gì về cách thể hiện sự hâm mộ của các bạn trẻ ngày nay đối với thần tượng? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng. (1.0 điểm)
Câu 2: (3 điểm)
Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?
Em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trả lời cho câu hỏi trên.
Câu 3: ( 4 điểm)
Học sinh chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng biển khơi
(…)
Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi
(Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận)
Cảm nhận của em về hai khổ thơ trên. Từ đó liên hệ với một tác phẩm khác hoặc với thực tế cuộc sống để thấy được tình yêu, sự gắn bó của con người Việt Nam với biển quê hương.
Đề 2: Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, em hãy viết bài văn với nhan đề: “Đọc một tác phẩm – Đi muôn dặm đường”.
Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn TP HCM 2017
Câu 1:
a. Những thành tích của Joseph Schooling và Jack Nicholson đã chứng tỏ họ vượt qua thần tượng của mình:
- Tại thế vận hội Mùa hè 2016 ở nội dung 100m bơi bướm, Joseph Schooling đã vượt qua thần tượng Michael Phelps để đoạt lấy Huy chương vàng cho mình.
- Jack Nicholson đã giành được 3 giải Oscar so với thần tượng của mình là Marlon Brando chỉ mới đạt được 2 giải Oscar.
b. Trong văn bản 1, từ nhưng ở câu số 2 là từ thể hiện phép liên kết câu: Phép nối.
c. Thông điệp chung của 2 văn bản trên: khi làm bất cứ công việc gì, nếu có đủ ý chí và đam mê, một ngày nào đó ta không chỉ thành công mà còn có thể vượt qua chính thần tượng của mình hôm nay.
d. Mỗi học sinh có những nhận xét khác nhau về cách thể hiện sự hâm mộ của các bạn trẻ ngày nay đối với thần tượng của mình. Đây chỉ là một gợi ý:
Thần tượng của bạn trẻ ngày hôm nay khá đa dạng. Có thể đó là những người nổi tiếng trong các lãnh vực thể thao, ca nhạc,… các bạn trẻ đã không nề hà công sức đi theo các thần tượng của mình trong các trận thi đấu hoặc các show diễn. Họ tặng hoa, họ ôm hôn, gào thiết để thể hiện sự hâm mộ của mình. Ít người có được tinh thần như Schooling đối với Michael Phelps hoặc Jack Nicholson đối với Marlon Brando lấy thần tượng của mình làm nguồn cảm hứng, tấm gương soi để nỗ lực phấn đấu. Đa số bạn trẻ ngày nay đã tôn thờ thần tượng một cách quá lố và thiếu tỉnh táo.
Câu 2:
Thí sinh cần đáp ứng yêu cầu của câu hỏi: trình bày suy nghĩ của mình được gợi lên từ vấn đề đã nêu trên trong phạm vi khoảng một trang giấy thi. Thí sinh có thể triển khai suy nghĩ của mình theo những cách thức cụ thể khác nhau. Sau đây là một số gợi ý để tham khảo:
Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể:
a. Giới thiệu vấn đề: Để hình thành một lối sống hoàn hảo và đúng đắn là một vấn đề vô cùng khó khăn và phức tạp. “Phải tôn trọng sự khác biệt”, đó là lời khuyên của các nhà tâm lý và giáo dục. Câu hỏi :”Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?” Đó là một câu hỏi đơn giản nhưng rất khó trả lời. Sau đây là những ý kiến của em về câu hỏi trên.
b. Sự khác biệt là bản chất của đời sống đa dạng, phong phú và muôn màu muôn vẻ. Tuy nhiên, bên cạnh sự đa dạng và khác biệt, xã hội con người có rất nhiều điểm chung tốt đẹp cũng như xấu xa. Những truyền thống văn hóa tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục cần phải được duy trì và tôn trọng. Bên cạnh đó, chúng ta cần đấu tranh chống lại sự a dua đầy tội lỗi của đám đông.
c. “Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”. Biết hòa đồng với hoàn cảnh xã hội hiện tại là một kỹ năng cần thiết. “Đồng phục trong cách sống, trong cách suy nghĩ, trong cách ăn mặc” là một nét đẹp thể hiện sự hòa đồng của con người với tập thể. Khi sống hòa đồng với mọi người, tuổi trẻ chắc chắn có được niềm vui, sự đoàn kết, sự chia sẻ và bình yên trong sinh hoạt cũng như làm việc.
Sống khác biệt chắc chắn không phải là mục đích sống của người trẻ tuổi bởi vì phần lớn họ là những người có khao khát tạo dựng cho mình một sự nghiệp, một cuộc sống vững vàng và hạnh phúc. Sống khác biệt dễ trở nên lập dị, dễ xung đột với tập thể, do đó người khác biệt dễ vấp phải sự chống đối của đa số, dễ trở thành kẻ cô đơn lạc lõng. Chỉ có sống hòa đồng, quân bình hài hòa với mọi người, người trẻ tuổi mới có được hạnh phúc và thành công. Do đó tuổi trẻ không cần phải sống khác biệt, nhất là trong hoàn cảnh bình thường.
d. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đặc biệt, cần dám sống khác biệt với số đông bởi vì số đông và tư duy số đông không phải luôn luôn đúng. Có nhiều bằng chứng của lịch sử đã cho thấy điều đó, ví dụ như Galiler. Khi đó, dám sống khác biệt chính là sự khẳng định giá trị và nhân cách của một con người. Đôi khi phải có can đảm bảo vệ và sống chết bảo vệ sự khác biệt của mình nếu đó là đúng đắn và tốt đẹp. Khuất Nguyên ngày xưa đã dám một mình trong khi cả đời đục. Tuổi trẻ là tương lai, là vận mệnh của quốc gia, cho nên trong những tình huống thử thách khắc nghiệt của Tổ quốc, họ cần dám sống khác biệt với số đông để dấn thân vào sự hiểm nguy đấu tranh cho sự tồn vong của đất nước, như những chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong thời kì trước 1945.
e. Tuổi trẻ cần phải có nhận thức đúng về sự khác biệt và hòa đồng, cần nhận thấy hòa đồng khác với a dua, về hùa, cũng như khác biệt không phải là lập dị, để từ đó biết sống hòa đồng và can đảm khác biệt khi cần thiết. Phải biết phát huy bản lĩnh của bản thân trong suy nghĩ, cũng như hành động để thể hiện bản chất tốt đẹp của tuổi trẻ là tương lai, là rường cột của nước nhà.
Câu 3: (4 điểm)
Đề 1. Nghị luận về đoạn thơ trong bài Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận).
b. Mở bài: Giới thiệu tác giả, bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” và giới thiệu khái quát nội dung hai khổ thơ phân tích.
b. Thân bài:
* Cảm nhận nội dung đoạn thơ:
– 4 câu thơ đầu: Cảnh ra khơi của đoàn thuyền đánh cá.
- Bức tranh thiên nhiên trên biển đẹp huy hoàng, tráng lệ nhưng cũng hết sức thơ.
- Tâm thế ra khơi tràn đầy sức sống, lạc quan, hăng say của những người lao động biển.
- Đặc sắc nghệ thuật: So sánh (“mặt trời xuống biển – hòn lửa”), nhân hóa và liên tưởng độc đáo (“sóng biển – then cửa”, cánh cửa chính là màn đêm. Vũ trụ như ngôi nhà lớn đang chìm sâu vào giây phút nghỉ ngơi).
– 4 câu thơ sau: Cảnh những đoàn thuyền đánh cá quay về lúc rạng động.
- Bức tranh thiên nhiên lúc rạng đông đầy sức sống, huy hoàng, tráng lệ.
- Hình ảnh người lao động trong khí thế khẩn trương đầy hứng khởi khi quay về sau một đêm lao động hăng say hiệu quả.
- Nghệ thuật tạo dựng kết cấu đầu cuối tương ứng (hình ảnh mặt trời, biển, đoàn thuyền và âm thanh tiếng hát căng buồm cùng gió khơi xuất hiện ở cả đoạn thơ đầu và đoạn thơ cuối), các hình ảnh thơ mới mẻ, độc đáo mang cảm hứng lãng mạn (đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời, mắt cá huy hoàng…).
Đánh giá chung: Đoạn thơ thể hiện sự đẹp giàu của biển quê hương và vẻ đẹp của những người lao động biển, tình yêu thiết tha của những người dân chài lưới với quê hương.
Liên hệ với tác phẩm khác: HS có thể liên hệ với tác phẩm Cô Tô của Nguyễn Tuân, bài thơ Quê hương của Tế Hanh.
Liên hệ thực tế cuộc sống: Vẻ đẹp giàu của biển đảo quê hương và vai trò, trách nhiệm của mỗi người để giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, giữ cho biển mãi xanh, sạch, đẹp.
Đề 2. Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học: Đọc một tác phẩm – Đi muôn dặm đường.
Thí sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Về hình thức:
- Bài văn đảm bảo cấu trúc ba phần (mở bài – thân bài – kết bài), thân bài được trình bày thành các đoạn văn.
- Bố cục mạch lạc, diễn đạt lưu loát, hệ thống luận điểm, luận cứ sáng rõ.
- Không mắc các lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu, không mắc các lỗi về diễn đạt.
2. Về nội dung:
a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Vai trò, ý nghĩa to lớn của việc đọc các tác phẩm văn học đối với mỗi người.
b. Thân bài:
– Giải thích lời nhận định:
- Giải thích các khái niệm: Tác phẩm, đọc tác phẩm.
- Giải thích hình thức so sánh giàu hình ảnh và cách nói tăng cấp (một tác phẩm – muôn dặm đường): Đọc một tác phẩm văn học như đi được muôn dặm đường, học thêm được nhiều điều bổ ích, trải nghiệm bao điều thú vị, quý giá.
- Giải thích vấn đề cần nghị luận: Việc đọc tác phẩm văn học mang lại cho ta bao điều bổ ích: Tri thức, tình cảm, kinh nghiệm… Ta không phải bước chân khỏi nhà để “đi một ngày đàng” nhưng vẫn học được rất nhiều. Mỗi tác phẩm văn chương là một cuộc hành trình, là cả một thế giới mới mẻ, thú vị.
– Bàn luận, chứng minh vấn đề:
- Tác phẩm văn chương mở ra cho ta chân trời kiến thức vô hạn về thế giới, về con người và về chính bản thân ta. Đọc một tác phẩm giúp ta hiểu cuộc đời, hiểu con người và hiểu rõ chính mình.
- Tác phẩm văn học giúp ta vượt qua những giới hạn của bản thân (về không gian, về thời gian, về điều kiện vật chất) để được sống nhiều hơn, sống sâu sắc hơn, sống ý nghĩa hơn và sống đẹp hơn. Văn chương giúp ta hoàn thiện bản thân.
- Đọc một tác phẩm văn học hay cũng cho ta niềm vui bất tận trong việc tìm hiểu và khám phá, như tham gia một chuyến hành trình, một cuộc phiêu lưu. Qua đó, ta có được những khoảnh khắc thư giãn, tìm được sự bình yên, phát triển trí tưởng tượng …
(Học sinh lấy dẫn chứng từ các tác phẩm văn học đã học hoặc đã đọc để chứng minh cho các luận cứ trên).
– Bàn luận mở rộng:
- Không phải mọi tác phẩm đều là những tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật, về nội dung. Trong thị trường sách văn học đa dạng hiện nay, phải biết chọn lựa những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi, mục đích, sở thích … của mình.
- Đọc sách nói chung, đọc sách văn học nói riêng, luôn là một việc làm thú vị nhưng cũng không dễ dàng. Vậy ta phải kiên nhẫn và có phương pháp đọc phù hợp để khám phá cái hay cái đẹp của tác phẩm văn chương.
- Đọc sách phải gắn với thực tế, áp dụng vào thực tế cuộc sống.
c. Kết bài