Công nghệ an toàn giúp ôtô giảm thiểu tai nạn giao thông
Có hàng trăm nguyên nhân khách quan, chủ quan có thể dẫn đến tai nạn giao thông, từ ý thức của người lái xe, đến kỹ năng điều khiển, điều kiện xung quanh cho đến những trường hợp bất khả kháng, tài xế không tự chủ. Một trong những nguyên nhân hàng đầu được các chuyên gia chỉ ra là nhầm chân phanh và ga.
Nhầm lẫn này không loại trừ bất kỳ ai, từ mới lái đến “tài già”, từ xe số tự động đến số sàn, từ các nước có nền công nghiệp xe hơi lâu đời đến các nước đang phát triển. Cơ quan An toàn giao thông Quốc gia Mỹ NHTSA từng kết luận, nhầm chân ga và chân phanh là nguyên nhân chủ yếu trong các vụ tai nạn liên quan đến tăng tốc ngoài ý muốn.
“Chúng ta chỉ chưa nhầm, chứ không thể nói không bao giờ nhầm. Nếu cho rằng xác suất xảy ra nhỏ thì chúng ta vẫn phải thật tập trung khi cầm lái, hạn chế tối đa những yếu tố có thể dẫn đến việc tăng tốc ngoài ý muốn”, một chuyên gia xe hơi nhận định với VnExpress.
Chuyên gia này cho rằng tỷ lệ những người mới lái mắc lỗi này nhiều hơn. Nhưng người lái lâu năm, nhiều kinh nghiệm cũng có thể bị, nhất là khi rơi vào trạng thái mất bình tĩnh, nóng nảy, bực dọc hoặc lơ đễnh. Trường hợp hiếm gặp khác là ảo giác. Xe đang đứng im nhưng khi nhìn các xe khác di chuyển lại tưởng xe mình đi lùi (hoặc trôi nếu đang đỗ trên dốc) nên vội vàng đạp chân ga, dẫn đến tăng tốc đột ngột.
Khi xảy ra nhầm, người lái rơi vào trạng thái hoảng loạn cao độ do xe phản ứng ngược với mục đích. Có người mất kiểm soát tới mức tiếp tục nhấn ga. Tim đập nhanh, chân tay run, mắt lóa. Phản xạ tốt nhất lúc đó là nhấc chân ra khỏi khu vực điều khiển, không chạm chân vào bất cứ thứ gì. Sau đó chuyển nhanh sang bàn đạp phanh.
Trong một khảo sát của VnExpress với hơn 6.500 biểu quyết, 57% tài xế từng ít nhất một lần nhầm lẫn giữa chân ga và chân phanh khi lái xe.
Vậy đâu là chìa khóa giúp hạn chế, giảm thiểu tối đa những thiệt hại từ tình huống tài xế mất tự chủ, dẫn đến tai nạn giao thông? Câu trả lời của các hãng xe là công nghệ an toàn.
Công nghệ an toàn trên ôtô được chia thành hai nhóm là chủ động và bị động. An toàn bị động là những thứ giúp người ngồi trên xe giảm thiểu rủi ro khi đã xảy ra va chạm như túi khí, dây an toàn, khung xe… Ngược lại, công nghệ an toàn chủ động là những tính năng cảnh báo, đón đầu va chạm và hỗ trợ tài xế tránh hoặc giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra tai nạn.
Ford là hãng đầu tiên trang bị bộ căng đai khẩn cấp cho dây đai an toàn; Mercedes tiên phong ứng dụng phanh ABS, cân bằng điện tử ESP, cảnh báo tiền va chạm kết hợp phanh khẩn cấp; Audi giới thiệu công nghệ “nâng gầm”, tăng khả năng an toàn khi xảy ra va chạm trên sedan A8 đầu bảng… Việc chạy đua giữa các hãng xe lẫn công ty công nghệ trong ngành ôtô tiếp tục tạo ra những tính năng an toàn mới. An toàn trên ôtô không có khái niệm “nhất”, thay vào đó là an toàn hơn.
Đơn cử ở Volvo, nhằm hạn chế tối đa và đón đầu va chạm có thể xảy đến, mọi mẫu xe thế hệ mới của hãng này đều có cảnh báo điểm mù gắn radar, khả năng nhận biết ở khoảng cách gần, chủ động điều chỉnh vô-lăng nhằm đảm bảo an toàn khi lưu thông. Nhóm công nghệ City Safety cũng tự động dừng xe khi phát hiện nguy cơ va chạm mà không có phản ứng nào từ tài xế.
Không riêng xe sang, các hãng bình dân ngày nay cũng trang bị đa dạng công nghệ an toàn chủ động, nhằm hỗ trợ tài xế phòng tránh va chạm. Đó là Subaru với gói công nghệ EyeSight phát triển đến thế hệ thứ 4; Toyota Safety Sense trang bị trên những Corolla Cross, Hilux Fortuner; Honda Sensing ứng dụng trên CR-V hay SmartSense trên các mẫu Hyundai…
Điểm chung của những gói công nghệ này là được trang bị hệ thống camera và cảm biến có độ chính xác cao. Đơn cử, cảnh báo tiền va chạm PCS của Toyota có khả năng phát hiện vật cản phía trước, đưa cảnh báo bằng hình ảnh và âm thanh cho người lái. Nếu người lái không có phản ứng đạp phanh, hệ thống chủ động kích hoạt phanh tiền va chạm AEB nhằm phòng tránh tai nạn.
Chia sẻ video clip từ trải nghiệm của bản thân, anh Nguyễn Đăng Quế, một người dùng Volvo XC60 tại Hà Nội cho biết, mẫu xe đã 2 lần hỗ trợ anh tránh được tai nạn ngay trước mắt.
Trong trường hợp đầu tiên, chức năng City Safety trên Volvo XC60 tự động phanh và hỗ trợ đánh lái, giúp anh không đâm phải một cậu bé ngã ra giữa đường vì một vụ va chạm giao thông. Trường hợp thứ hai, chiếc Volvo cũng tự động phanh khẩn cấp khi xe máy cùng làn đường xảy ra va chạm, người ngồi trên xe máy ngã ngay trước mũi xe XC60.
Theo Volvo, công nghệ an toàn của hãng đã cứu sống hàng triệu người mỗi năm trên toàn cầu, giúp hãng này đạt những giải thưởng lớn như: Xe thế giới của năm, Xe châu Âu của Năm…
“Ôtô càng hiện đại đương nhiên càng sở hữu nhiều công nghệ an toàn. Nhưng dù nhiều công nghệ đến đâu, khả năng bảo vệ an toàn đến đâu, công nghệ vẫn chỉ ở mức hỗ trợ”, vị chuyên gia nhận định. “Yếu tố quyết định luôn nằm ở người cầm lái”.
Tuấn Vũ
Cảm ơn các bạn đã đồng hành và theo dõi https://th-thule-badinh-hanoi.edu.vn/ !!!!. Hãy cho chúng tớ 1 like để tiếp tục phát triển nhều kiến thức mới nhất cho bạn đọc nhé !!!